3 nhà du hành vũ trụ thuộc sứ mệnh Thần Châu-18 trở về Trái Đất an toàn

Cả ba nhà du hành đều duy trì thể trạng khỏe mạnh sau 192 ngày trên quỹ đạo và nhiệm vụ Thần Châu-18 được đánh giá là thành công.

Tàu vũ trụ Thần Châu-18 đưa 3 phi hành gia trở về Trái Đất. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tàu vũ trụ Thần Châu-18 đưa 3 phi hành gia trở về Trái Đất. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA), sáng 4/11, nhóm 3 nhà du hành vũ trụ thuộc sứ mệnh Thần Châu-18 (Shenzhou-18) đã trở về Trái Đất an toàn, sau 6 tháng thực hiện nhiệm vụ trên trạm không gian Thiên Cung.

Cả ba nhà du hành đều duy trì thể trạng khỏe mạnh sau 192 ngày trên quỹ đạo và nhiệm vụ Thần Châu-18 được đánh giá là thành công.

Nhà du hành Ye Guangfu - chỉ huy nhiệm vụ này - đã trở thành nhà du hành vũ trụ Trung Quốc đầu tiên có tổng thời gian bay trên không gian vượt quá một năm, theo đó lập kỷ lục mới về thời gian lưu trú dài nhất trong quỹ đạo.

Trong khi đó, hai nhà du hành còn lại là Li Cong và Li Guangsu cho biết đội ngũ đã đoàn kết và làm việc chặt chẽ với nhóm điều phối tại Trái Đất, để các hoạt động ngoài không gian được diễn ra suôn sẻ và các nghiên cứu khoa học được thực hiện thành công.

Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-18 vào ngày 25/4 vừa qua.

ttxvn_tau than chau 18 (2).jpg
Tàu vũ trụ Thần Châu-18 đưa 3 phi hành gia trở về Trái Đất. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong suốt nhiệm vụ, các nhà du hành đã thực hiện hàng chục thí nghiệm trong các lĩnh vực vật lý cơ bản trong môi trường vi trọng lực, khoa học vật liệu không gian, khoa học đời sống không gian, y học không gian và công nghệ không gian.

Hồi tháng 5, nhóm đã lập kỷ lục về thời gian hoạt động ngoài không gian dài nhất của các nhà du hành Trung Quốc, kéo dài khoảng 8,5 giờ.

Nhóm cũng thực hiện nghiên cứu về khả năng ra quyết định trong tình huống khẩn cấp, sử dụng máy tính và phần mềm tương ứng để đánh giá khả năng nhận biết, đánh giá rủi ro và đưa ra quyết định.

Trong hành trình không gian của mình, ba nhà du hành Thần Châu-18 cũng đã trải nghiệm niềm vui đặc biệt từ "thủy cung" và "khu vườn" trên trạm không gian Thiên Cung. Họ đã tạo ra một "thủy cung" sử dụng cá ngựa vằn và tảo để nghiên cứu cách môi trường không gian ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng.

Kết quả cho thấy cá ngựa vằn có những hành vi định hướng bất thường trong môi trường vi trọng lực.

Ngoài ra, họ cũng đã trồng các loại cây như cà chua bi và rau diếp, và thu hoạch được một số lá rau diếp để ăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục