75 năm ngành khí tượng-thủy văn: Miệt mài nghề “đo gió, đếm mưa”

Ngành khí tượng-thủy văn đã từng bước tiệm cận với trình độ khoa học và kỹ thuật tiên tiến, sánh vai cùng các nước trên thế giới, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn.
75 năm ngành khí tượng-thủy văn: Miệt mài nghề “đo gió, đếm mưa” ảnh 1Cán bộ Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ kiểm tra hộp số tự động. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 41-SL thành lập ngành Khí tượng-thủy văn Việt Nam.

75 năm qua, ngành khí tượng-thủy văn đã không ngừng vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao, góp phần đắc lực trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Miệt mài nghề “đo gió, đếm mưa”

Ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cán bộ của ngành khí tượng-thủy văn đã theo Chính phủ lên chiến khu Việt Bắc vừa tham gia chiến đấu, sản xuất, dạy học, vừa chuẩn bị cho việc đào tạo cán bộ tương lai của ngành.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva năm 1954, lập lại hòa bình ở Đông Dương, các hoạt động khí tượng thủy văn bắt đầu phát triển mạnh mẽ để phục vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngành đã khôi phục phát triển mạnh mẽ mạng lưới quan trắc với hơn 400 trạm khí tượng, hải văn, thủy văn, khí tượng nông nghiệp, thám không vô tuyến...; đẩy mạnh phong trào thủy văn nhân dân, phát triển mạng lưới thủy văn ở 600 xã miền Bắc.

Nhiệm vụ quan trọng của ngành trong thời kỳ này là duy trì hoạt động liên tục của mạng lưới trạm khí tượng thủy văn. Ngành đã xây dựng các phương án ứng phó kịp thời với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ.

Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều trạm khí tượng thủy văn dã chiến, nhiều trạm thủy văn dự bị đã được xây dựng; các quy trình, quy phạm quan trắc, đo đạc, mã luật, điện báo trong thời chiến cũng được gấp rút biên soạn.

Suốt tám năm chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, có 40% số trạm bị bắn phá ác liệt, có trạm bị bắn phá hàng chục lần nhưng công tác quan trắc không bao giờ bị gián đoạn. Chuỗi số liệu điều tra cơ bản về khí tượng thủy văn vẫn liên tục dài theo năm tháng, những số liệu quan trắc hàng ngày, hàng giờ vẫn được truyền kịp thời tới các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn để phục vụ phòng, chống thiên tai, nhất là phòng chống bão, lụt và phục vụ các nhu cầu cấp bách khác của sản xuất và chiến đấu.

[Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thư chúc mừng ngành Khí tượng Thủy văn]

Theo Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng-thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường, có những trang số liệu đang khai thác hôm nay đã phải trả bằng máu của gần 40 cán bộ, quan trắc viên khí tượng thủy văn, trong đó có 20 cán bộ được công nhận là liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quan trắc, chiến đấu dưới làn bom đạn của Mỹ.

Trong những năm chiến tranh biên giới phía Bắc và Phía Tây Nam cũng như khôi phục đất nước sau chiến tranh, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn của Ngành tiếp tục được phát triển ở những vùng núi cao, đảo xa, như bãi nổi Huyền Trân, Trường Sa, Phú Quý, Thổ Chu, Côn Đảo, Song Tử Tây, Mường Tè, Hoàng Su Phì... góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

“Hành động-Kiến tạo-Phục vụ vì sự phát triển bền vững đất nước”

 Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, các cán bộ, công chức, viên chức của ngành khí tượng thủy văn đã có mặt trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ biên giới đến hải đảo xa xôi, đóng góp công sức và trí tuệ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, ngành khí tượng-thủy văn đã từng bước tiệm cận với trình độ khoa học và kỹ thuật tiên tiến, sánh vai cùng các nước trên thế giới, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn, góp phần hiệu quả cho công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, vì sự an toàn, hạnh phúc của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội bền vững... Thông tin, dữ liệu khí tượng-thủy văn là cơ sở dữ liệu “đầu vào” của hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội.

75 năm ngành khí tượng-thủy văn: Miệt mài nghề “đo gió, đếm mưa” ảnh 2Các Quan trắc viên tại Trạm khí tượng-thủy văn Yên Thượng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, thực hiện quan trắc môi trường không khí và môi trường nước trên sông Lam. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Đối với công tác đo đạc quan trắc khí tượng-thủy văn, từ một mạng lưới thưa thớt và ít ỏi đến nay đã có 284 trạm khí tượng bề mặt; 29 trạm khí tượng nông nghiệp; 14 trạm bức xạ; 781 trạm đo mưa tự động; 359 trạm thủy văn (234 trạm thủ công, 125 trạm tự động); 27 trạm khí tượng hải văn; có 180 trạm/điểm đo môi trường; mạng lưới trạm khí tượng cao không gồm có sáu trạm thám không vô tuyến, tám trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học, ba trạm đo tổng lượng ozone-bức xạ cực tím và 10 trạm radar thời tiết trải khắp mọi miền đất nước, 18 trạm định vị sét, với gần 1.500 quan trắc viên có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng-thủy văn không ngừng được đổi mới, phát triển.

Một số mô hình khu vực phân giải cao của Đức, Mỹ, châu Âu… đã và đang được vận hành hiệu quả; đã tiến hành dự báo tới khoảng 600 các địa điểm cụ thể như thị trấn, thị xã, thành phố, đặc biệt là thời tiết biển khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước và phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế biển… Nhiều công nghệ mới đã được nghiên cứu đưa vào ứng dụng trong tác nghiệp góp phần nâng cao chất lượng dự báo khí tượng-thủy văn.

Chất lượng các bản tin dự báo luôn đạt và vượt mức chỉ tiêu đề ra. Công tác dự báo hiệu quả đã góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, như năm 2018 công tác dự báo đã góp phần giảm được khoảng 2/3 thiệt hại so với năm 2017, tương ứng với 40.000 tỷ đồng; năm 2019, thiệt hại do thiên tai gây ra được giảm thiểu tối đa, đặc biệt là về người. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đã được Thủ tướng Chính phủ biểu dương, ghi nhận tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020.

Công tác nghiên cứu khoa học của ngành khí tượng-thủy văn phát triển mạnh mẽ, với tổng số trên 300 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước và cấp ngành đã được nghiệm thu đưa vào ứng dụng trong mọi lĩnh vực của ngành và đời sống xã hội, như điều tra cơ bản, dự báo, thông tin dữ liệu, thiết kế, xây dựng hoặc làm cơ sở khoa học cho việc khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường...

Ngành khí tượng-thủy văn không ngừng được mở rộng, góp phần đáng kể cho việc tăng cường về kỹ thuật, tài chính, trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ và đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước; thực hiện tốt các hoạt động trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal về bảo vệ tầng ozone; xây dựng định hướng hợp tác, trao đổi thông tin song phương và đa phương, thiết lập và duy trì hợp tác thường xuyên với Cơ quan Khí tượng Australia, Nhật Bản, Italy, Phần Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Lào, Campuchia...

Với phương châm “Hành động-Kiến tạo-Phục vụ vì sự phát triển bền vững đất nước," trong thời gian tới, ngành khí tượng-thủy văn sẽ tập trung các nguồn lực để phát triển ngành đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và tự động hóa, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật khí tượng-thủy văn trong phạm vi cả nước; nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai liên quan đến bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai được dự báo là ngày càng phức tạp, khó lường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục