Ẩn họa vẫn tiếp tục "uy hiếp" sông Thị Vải

Đánh giá về những hành vi xả chất thải gây ô nhiễm sông Thị Vải do Công ty Vedan gây ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định tuy có đến 77 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có xả thải ra sông nhưng Công ty Vedan là đơn vị xả thải nhiều nhất.

Đánh giá về những hành vi xả chất thải gây ô nhiễm sông Thị Vải do Công ty Vedan gây ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định tuy có đến 77 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có xả thải ra sông nhưng Công ty Vedan là đơn vị xả thải nhiều nhất.

Bằng chứng là chỉ 6 tháng sau khi công ty giảm công suất chế biến, xử lý tốt các nguồn thải, nước sông Thị Vải đã trong xanh trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn có những nguy cơ ô nhiễm tiềm ẩn tiếp tục đe dọa sông Thị Vải trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết chất lượng nước sông Thị Vải được cải thiện chỉ là kết quả ban đầu khi công ty Vedan giảm công suất hoạt động đến mức thấp nhất. Vì vậy nếu không tiếp tục quan trắc, sau này nếu công ty tăng công suất trở lại, tình hình ô nhiễm sẽ phức tạp.
  
Qua khảo sát thực tế chiều 10/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy rất lo ngại về nguy cơ chất thải ô nhiễm từ 21 hồ xử lý yếm khí trên diện tích 14ha trong khuôn viên công ty Vedan sẽ bị tràn ra môi trường nếu có mưa to, hoặc triều cường bất thường.
 
Trong cuộc họp giải quyết các tồn tại liên quan đến vụ vi phạm của Vedan, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã đề nghị công ty này phải bồi thường thỏa đáng cho người dân bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường sông Thị Vải.
 
Cuộc họp được tổ chức ngày 11/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia của đại diện Ủy ban nhân dân 3 tỉnh, thành lưu vực sông Thị Vải là Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, và Bà Rịa-Vũng Tàu.
 
Quan điểm giải quyết việc bồi thường cho những người dân sống ở ven sông Thị Vải phải gánh chịu thiệt hại về kinh tế, sức khỏe trong thời gian hơn 10 năm qua là người dân thông qua Hội nông dân 3 địa phương sẽ thống nhất với đại diện công ty Vedan mức bồi thường, vì nếu đưa ra tòa thì vụ việc sẽ kéo dài, khó giải quyết dứt điểm.
 
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trần Ngọc Thới cho rằng tháng 4/2009, Vedan đã có văn bản đồng ý chi 20 tỷ đồng hỗ trợ thiệt hại cho người dân 3 tỉnh, thành. Kèm theo đó, công ty này cũng lập quỹ phúc lợi 5 tỷ đồng để phục vụ mục đích phát triển bền vững cho các huyện bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
  
Tuy nhiên, cần phải xác định rõ đối tượng nào được hỗ trợ, đối tượng nào được đề bù thiệt hại, tránh sự nhập nhằng đòi đền bù bằng việc lập danh sách tràn lan. Ngay trong tháng 5/2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ phân loại hơn 3.000 trường hợp người dân thuộc diện bị ảnh hưởng do ô nhiễm sông Thị Vải, để hạn chế tình trạng “thừa nước đục thả câu”./.
  
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục