Anh: Phần tử cực đoan 'giật dây' biểu tình chống phân biệt chủng tộc

Trong một tuyên bố đăng trên tài khoản Twitter, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh: "Rõ ràng là các cuộc biểu tình đã bị các phần tử cực đoan có tư tưởng bạo lực điều khiển."
Anh: Phần tử cực đoan 'giật dây' biểu tình chống phân biệt chủng tộc ảnh 1Người biểu tình tham gia cuộc tuần hành chống phân biệt chủng tộc tại London, Anh ngày 6/6/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 12/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo rằng các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại nước này đang bị "những kẻ cực đoan giật dây," thể hiện qua các cuộc tấn công vào các di tích quốc gia nhằm "hủy hoại quá khứ của đất nước."

Trong một tuyên bố đăng trên tài khoản Twitter, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh: "Rõ ràng là các cuộc biểu tình đã bị các phần tử cực đoan có tư tưởng bạo lực điều khiển."

Trong cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc hồi tuần trước, những người biểu tình quá khích đã viết khẩu hiệu chống phân biệt chủng tộc lên bức tượng nổi tiếng của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill bên ngoài tòa nhà quốc hội.

[Anh đẩy nhanh quy trình khởi tố những người biểu tình bạo lực]

Người biểu tình đã đổ lỗi cho ông Churchill vì đã thực thi các chính sách khiến hàng triệu người ở bang Bengal, Ấn Độ, thiệt mạng trong nạn đói năm 1943.

Theo Thủ tướng Johnson, hành vi quá khích này là "vô lý và đáng hổ thẹn" vì cố Thủ tướng Churchill là một trong những người góp phần cứu nước Anh cũng như cả châu Âu khỏi bàn tay bạo tàn của Đức quốc xã có tư tưởng phátxít và phân biệt chủng tộc.

Trước đó, ngày 11/6, báo The Times đưa tin các tòa án Anh đang chuẩn bị đẩy nhanh quy trình khởi tố những đối tượng có hành vi bạo lực trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc, sau khi các Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ nước này đề nghị các thẩm phán áp dụng mô hình như khi ứng phó với bạo động tại thủ đô London năm 2011, theo đó, hững người biểu tình có hành vi phá hoại, tấn công cảnh sát sẽ bị bắt và giam giữ trong 24 giờ.

Chính phủ Anh dự định sẽ công bố tham vấn về các kế hoạch tăng gấp đôi mức án cao nhất đối với hành vi tấn công các nhân viên khẩn cấp lên 2 năm tù.

Trong những ngày qua, làn sóng biểu tình đã xảy ra tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Anh, nhằm phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc sau vụ người đàn ông da màu George Floyd tử vong sau khi bị cảnh sát bắt giữ ở thành phố Minneapolis, thuộc bang Minnesota của Mỹ.

Biểu tình lan rộng bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Nhiều cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn với các hành vi cướp phá và đối đầu với cảnh sát tại nhiều thành phố lớn.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng cần nỗ lực hơn để xóa bỏ định kiến và tạo cơ hội cho tất cả mọi người ở Anh.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh biểu tình không được dẫn đến bạo lực, các hành động bất hợp pháp cũng như phớt lờ giãn cách xã hội đang được áp dụng để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục