Australia tập trung ngân sách 2015-2016 vào phát triển kinh tế

Bộ trưởng Ngân khố Australia Joe Hockey đã công bố ngân sách liên bang 2015-2016, trong đó tập trung vào mục tiêu thúc đẩy kinh tế, khuyến khích việc làm và bảo đảm an ninh quốc gia.
Australia tập trung ngân sách 2015-2016 vào phát triển kinh tế ảnh 1Thủ tướng Tony Abbott (hàng đầu) và Bộ trưởng Ngân khố Joe Hockey (trái). (Ảnh: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, tối 12/5, Bộ trưởng Ngân khố Australia Joe Hockey đã công bố ngân sách liên bang 2015-2016, trong đó tập trung vào mục tiêu thúc đẩy kinh tế, khuyến khích việc làm và bảo đảm an ninh quốc gia. Đây là ngân sách liên bang thứ hai của Chính quyền Thủ tướng Tony Abbott.

Ngân sách liên bang của Australia năm nay chú trọng hai nội dung lớn là các biện pháp mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và khuyến khích các đối tượng tham gia lực lượng lao động. Về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, Chính phủ Australia cam kết dành 5,5 tỷ AUD (khoảng 4,3 tỷ USD) cho các doanh nghiệp, giảm thuế đối với các tài sản trị giá dưới 20.000 AUD.

Về biện pháp khuyến khích tham gia lực lượng lao động, Australia áp dụng việc giảm hỗ trợ cho các trường hợp bố hoặc mẹ ở nhà trông con không đi làm (dự kiến tiết kiệm khoảng 1 tỷ AUD mỗi năm), chi 14 triệu AUD để khuyến khích việc sớm rời trường học và tham gia lực lượng lao động hoặc đào tạo.

Bên cạnh đó, Chính phủ Australia cũng dành 1,2 tỷ AUD cho an ninh quốc gia, trong đó 450 triệu AUD chi cho hoạt động tình báo, 750 triệu AUD để mở rộng các cam kết quân sự của Australia tại Afghanistan, Iraq và Trung Đông.

Ngoài ra, Australia cũng chi 300 triệu AUD cho nông dân ở những vùng hạn hán, đồng thời áp dụng quy định mới là đánh thuế đối với người lao động nước ngoài ở Australia theo diện du lịch.

Ngân sách liên bang Australia dự kiến mức thâm hụt 35,1 tỷ AUD (28 tỷ USD) trong năm 2015-2016 (tăng gấp đôi so với năm trước) và giảm xuống còn 7 tỷ AUD trong tài khóa 2018-2019, dự kiến đạt thặng dư trong tài khóa 2019-2020.

Ông Hockey nhấn mạnh trong 12 tháng qua, Australia đã phải đối phó với thực trạng nhu cầu toàn cầu thấp hơn dự kiến, giá hàng hóa giảm và lợi nhuận xuống dốc. Tuy nhiên, do có kế hoạch phát triển, Australia vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong nhóm các nước phát triển.

Năm 2014, Australia dành nhiều ngân sách để giải quyết vấn đề nợ và thâm hụt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục