Ba bệnh viện Việt Nam đạt giải bạch kim của WSO về điều trị đột quỵ

Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và Bệnh viện Quân y 103 đã vượt qua 7 tiêu chí đánh giá để giành giải thưởng này của Hội Đột quỵ Thế giới.
Ba bệnh viện Việt Nam đạt giải bạch kim của WSO về điều trị đột quỵ ảnh 1Chăm sóc cho bệnh nhân tại Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Huế. (Nguồn: TTXVN)

Ba bệnh viện của Việt Nam gồm Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và Bệnh viện Quân y 103 đã giành giải bạch kim về chất lượng điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ Thế giới - WSO.

Đây là một giải thưởng danh giá của Hội Đột quỵ Thế giới dành cho các đơn vị đột quỵ và trung tâm đột quỵ đạt các tiêu chí khắt khe, bao gồm khả năng huấn luyện con người; thiết bị chẩn đoán, điều trị đột quỵ cấp và hợp tác với các nhân viên chăm sóc đột quỵ khác.

Quy trình này được xem xét bởi một cơ quan kiểm định quốc gia và 2 cơ quan kiểm định quốc tế. Ủy ban về đơn vị đột quỵ sẽ ra quyết định cuối cùng.

Theo thông tin được cập nhật trên trang web của Hội Đột quỵ Thế giới, giải thưởng bạch kim được đánh giá dựa trên 7 tiêu chí gồm tối thiểu 75% bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch được thực hiện trong vòng 60 phút khi nhập viện; tối thiểu 75% bệnh nhân can thiệp tái thông được bắt đầu chọc kim can thiệp dưới 120 phút; tối thiểu 15% bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được tái thông; tối thiểu 85% bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ được chụp CT hoặc MRI; tối thiểu 85% bệnh nhân đột quỵ được tầm soát rối loạn nuốt, tối thiểu 85% bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được điều trị dự phòng với thuốc chống ngưng tập tiểu cầu và tối thiểu 85% bệnh nhân đột quỵ có liên quan tới rung nhĩ được điều trị dự phòng bằng thuốc chống đông.

[Bệnh viện đầu tiên ứng dụng trí tuệ nhân tạo điều trị đột qụy]

Tại Bệnh viện Trung ương Huế, Trung tâm Đột quỵ được thành lập vào năm 2017 nhưng chính thức hoạt động vào tháng 6/2018. Trung tâm được xây dựng với cơ sở vật chất khang trang, máy móc, trang thiết bị hiện đại.

Ba bệnh viện Việt Nam đạt giải bạch kim của WSO về điều trị đột quỵ ảnh 2Chăm sóc cho bệnh nhân tại Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Huế. (Nguồn: TTXVN)

Đặc biệt trung tâm có đội ngũ nhân lực trình độ cao, tiếp thu nhanh nhạy các kỹ thuật y học tiên tiến. Mỗi năm trung tâm này tiếp nhận trên 2.500 bệnh nhân và đã thực hiện đầy đủ chức năng, vai trò cấp cứu đột quỵ, điều trị đột quỵ toàn điện cũng như hồi sức đột quỵ tích cực.

Theo giáo sư Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, trong thời gian tới Trung tâm Đột quỵ của bệnh viện quyết tâm phấn đấu đạt giải thưởng kim cương của Hội Đột quỵ Thế giới.

Khoa đột quỵ của Viện Quân y 103 thành lập năm 2006 và đến nay tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân bị đột quỵ não hiệu quả. Khoa triển khai áp dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong cấp cứu, điều trị, can thiệp mạch thần kinh, dự phòng đột quỵ và phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ não và nguy cơ mắc đột quỵ não.

Từ năm 2017, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã thành lập đơn vị đột quỵ trực thuộc khoa nội thần kinh với nhiệm vụ điều trị và chăm sóc cho các trường hợp bệnh nhân đột quỵ não.

Đến năm 2019, đơn vị này đã điều trị cho hơn 4.500 trường hợp đột quỵ não. Trong đó có hơn 3.000 trường hợp nhồi máu não, hơn 300 trường hợp điều trị tiêu sợi huyết (chiếm hơn 10%).

Đột quỵ là một  trong 5 nguyên nhân bệnh tật hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên thế giới. Theo thống kê, hiện ở Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị mắc tai biến mạch máu não, trong đó 104.000 người tử vong./.

Ba bệnh viện Việt Nam đạt giải bạch kim của WSO về điều trị đột quỵ ảnh 3Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục