Bài 2: Du lịch Việt Nam và những nỗ lực ‘thay máu’ thời 4.0

Không chỉ du khách quốc tế vào Việt Nam đều sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài mà du khách nội địa cũng quen dùng. Thực tế đó khiến một số doanh nghiệp Việt quyết "thay máu."
Bài 2: Du lịch Việt Nam và những nỗ lực ‘thay máu’ thời 4.0

Mặc dù chưa thể chiếm lại thị phần của các sàn du lịch trực tuyến trên “sân nhà,” song một số doanh nghiệp Việt đã có những bước đi uyển chuyển, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của doanh nghiệp mình trên con đường phát triển cùng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Những doanh nghiệp này, bên cạnh nguồn lực mạnh mẽ, thì điều quan trọng là họ đã mạnh dạn và quyết tâm để thay đổi. Bởi, họ hiểu chỉ có tư duy và hành động khác đi mới có thể “vẽ” lại “bức tranh” du lịch Việt.

[Bài 1: Du lịch trực tuyến: Doanh nghiệp nội đang bị lấn lướt trên ‘sân nhà’]

Từ chiến lược phát triển đa kênh…

Hầu hết các doanh nghiệp đều nhận thức được việc kinh doanh trên nền tảng trực tuyến là cách giúp họ không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn tăng doanh số bán hàng, nâng cao uy tín thương hiệu.

Chẳng hạn như Saigontourist ngay từ năm 2004 đã bắt đầu phát triển công nghệ và ứng dụng du lịch thông minh trong kinh doanh lữ hành. Vài năm gần đây, ứng dụng lữ hành trực tuyến và đặc biệt đầu tư cho công nghệ tiếp tục được đơn vị này đẩy mạnh bằng việc thành lập phòng kinh doanh trực tuyến.

Nhờ đó, 80% hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp đã dịch chuyển sang tiếp thị số. Hoạt động bán hàng trên “fanpage” (trang giao lưu, tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng) tăng trưởng mạnh, nhân sự ở mảng này tăng lên đến 200%; doanh thu trực tuyến chiếm tới 30% tổng doanh thu (tương đương hơn 1.372 tỷ đồng).

Đại diện Lữ hành Saigontourist cho biết từ năm 2018 đến nay, đơn vị này đã đầu tư gần 10 tỷ đồng vào phát triển kinh doanh trực tuyến, bao gồm đầu tư công nghệ, trang thiết bị, lương nhân sự, hạ tầng server…

Bài 2: Du lịch Việt Nam và những nỗ lực ‘thay máu’ thời 4.0 ảnh 1Hình ảnh Việt Nam được người dùng quảng bá trên một ứng dụng. (Ảnh chụp màn hình)

Chính nhờ sớm nhận thức được kinh doanh trực tuyến góp phần tạo ra sự đa dạng trong công tác phục vụ nên Saigontourist đã thu được “trái ngọt”. Giờ đây, khách hàng của Saigontourist có thể tham khảo thông tin online, mua hàng offline hoặc đã được tư vấn hành trình rồi mua online để được thuận tiện cũng như nhận các gói ưu đãi đặc biệt. Tốc độ tiếp cận thông tin sản phẩm cũng nhanh chóng và hấp dẫn hơn so với phương thức truyền thống.

Với kinh doanh trực tuyến, Saigontourist tập trung khai thác và phục vụ khách hàng để mở rộng lượng khách, gia tăng lượng giao dịch và hiệu quả tăng trưởng đạt tới 150%.

“Trong hoạt động thương mại điện tử, Lữ hành Saigontourist đo lường tính hiệu quả của từng kênh, từng nhân sự để đánh giá hiệu quả và điều chỉnh chiến lược. Công ty cũng thường xuyên cập nhật các kỹ thuật mới trong phát triển kênh phân phối và kết hợp với các đối tác trong nước. Với chiến lược phát triển đa kênh, Lữ hành Saigontourist kỳ vọng sẽ khai thác được nhiều khách hàng hơn,” đại diện này cho hay.

…Đến những giải pháp trải nghiệm du lịch toàn diện

Không chỉ “cá lớn” Saigontourist, là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ vào du lịch, Vietravel cũng ghi dấu mức tăng trưởng ấn tượng. Bình quân trong 03 năm gần đây (2017-2019), Vietravel tăng trưởng ổn định gần 20% lượng khách đặt dịch vụ trực tuyến, doanh thu từ trực tuyến tương ứng bình quân tăng trưởng hơn 30%, riêng trong năm 2019 đạt gần 40% theo kế hoạch.

Bài 2: Du lịch Việt Nam và những nỗ lực ‘thay máu’ thời 4.0 ảnh 2Gian hàng giới thiệu các dịch vụ trực tuyến của Vietravel tại một sự kiện. (Ảnh: X.Mai/Vietnam+)

Theo đại diện Vietravel, để phát triển nhanh và mạnh, phù hợp với yêu cầu trong thời đại số, Vietravel chú trọng khai thác mạng bán tour trực tuyến travel.com.vn; thành lập và phát triển mạnh các đơn vị thành viên: WorldTrans - Sàn giao dịch vé máy bay lớn nhất Việt Nam, Trung tâm Du lịch “Chuyến đi của bạn” - TripU; triển khai phần mềm đặt dịch vụ du lịch - Vietravel App, áp dụng chương trình “Thêm điểm, thêm vui” dành cho khách hàng thân thiết - VietravelPlus…

Đặc biệt, Vietravel đã mạnh dạn rót vốn đầu tư 30 tỷ đồng, phân kỳ theo từng giai đoạn phát triển, để phát triển ứng dụng TripU - ứng dụng du lịch ra đời trên nền tảng công nghệ thông minh và sự am hiểu thị trường du lịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Vũ Hoàng, đồng sáng lập, Tổng Giám đốc Trung tâm dịch vụ Du lịch TripU bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn mang đến giải pháp dịch vụ du lịch toàn diện cho người Việt, tái định nghĩa trải nghiệm du lịch trong thời đại công nghệ số.”

Với ứng dụng này, người dùng chỉ cần chọn điểm đến, rồi đặt dịch vụ từ A-Z, đợi đến ngày xách balo lên và trải nghiệm chuyến đi. Đặc biệt, để cạnh tranh với những ứng dụng tiền bối, TripU có tính năng nổi bật là dịch vụ visa trực tuyến. Cũng nhờ đơn vị hậu thuẫn Vietravel đã có 24 năm kinh nghiệm trong ngành du lịch Việt, nên việc tư vấn và xin visa du lịch thông qua TripU trở nên đơn giản.

Bài 2: Du lịch Việt Nam và những nỗ lực ‘thay máu’ thời 4.0 ảnh 3Ông Nguyễn Vũ Hoàng, đồng sáng lập, Tổng Giám đốc Trung tâm dịch vụ Du lịch TripU. (Ảnh: X.Mai/Vietnam+)

Trước những “cá mập” nước ngoài đang chi phối tới 80% thị phần du lịch trực tuyến trong nước, ông Hoàng chia sẻ: “Với sự ra đời của TripU cùng với mảng lữ hành trực tuyến, Vietravel mong muốn có thể giành được 4% thị phần. Đó là tham vọng thực tế của chúng tôi.”

Đại diện TripU cũng không giấu giếm ý định đưa ứng dụng này trở thành siêu ứng dụng du lịch, giúp các bạn trẻ dễ dàng ra thế giới cũng như thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Đặc biệt, TripU còn hợp tác với Agoda nhằm mở rộng thị trường quốc tế, đem đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn. Việc “cộng sinh” này theo ông Hoàng, mang lại nhiều lợi ích hơn cho TripU, Agoda cũng như khách hàng Việt Nam và quốc tế.

Clip ông Nguyễn Vũ Hoàng chia sẻ về TripU:

“Trong tương lai, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam sẽ ngày càng tăng. Họ dùng tương tác đa chiều thì nhà cung cấp phải có các công nghệ cho khách hàng cập nhật tất cả thông tin mà họ muốn trải nghiệm,” ông Timothy Hughes, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển doanh nghiệp Agoda, đánh giá.

Chính vì vậy, chuyên gia này cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường sử dụng các công nghệ tăng tính tương tác, phản ứng nhanh, không phân biệt thời gian.

…Và những chuyến bay “cá nhân hóa”

Là một trong những loại hình vận chuyển du lịch hiệu quả nhất, năm 2019, Vietnam Airlines Groups (bao gồm Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, Jestar Pacific, Vasco) đã đưa đón được trên 28 triệu lượt hành khách, trong đó lượng khách quốc tế vận chuyển được là trên 15 triệu lượt khách.

Nhận định kênh vận chuyển này có khả năng quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra khắp thế giới - những nơi Hãng có đường bay đến, một cách trực tiếp và có sức lan tỏa mạnh mẽ, cuối tháng 12/2019 vừa qua, Tổng cục Du Lịch đã ký Biên bản hợp tác chiến lược giai đoạn 2020-2022 về quảng bá, xúc tiến du lịch với Vietnam Airlines.

Bài 2: Du lịch Việt Nam và những nỗ lực ‘thay máu’ thời 4.0 ảnh 4Tiếp viên phục vụ đồ uống trên chuyến bay của Vietnam Airlines. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Mục tiêu của biên bản này, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch, nhằm định hình lại mô hình hợp tác mới, các hoạt động đi vào thực chất, ứng dụng công nghệ, phương thức tiếp thị mới để làm sao đạt hiệu quả cao nhất trong xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam, thu hút ngày càng đông khách du lịch quốc tế…

Trong kế hoạch, hai bên sẽ phối hợp giới thiệu các ấn phẩm, tài liệu, trao đổi thông tin nghiên cứu thị trường; hợp tác tham gia hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài; tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức khảo sát điểm đến và hợp tác tổ chức các sự kiện du lịch trong nước…

Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hành khách trong thời đại công nghệ 4.0, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đang quyết tâm trở thành hãng hàng không số sau năm 2020. Các kế hoạch hiện đang được tập trung để bắt đầu triển khai cuối năm nay.

“Chúng tôi hy vọng sẽ đưa lại cho hành khách và đặc biệt là khách du lịch những trải nghiệm mới trong thời đại công nghiệp số, trong cả chuỗi dây truyền dịch vụ của Vietnam Airlines từ đặt chỗ bán vé cho đến cả hành trình đi trên máy bay,” Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines, ông Lê Hồng Hà chia sẻ.

Clip ông Lê Hồng Hà chia sẻ về ứng dụng công nghệ của Vietnam Airlines:

Chia sẻ về trải nghiệm số hóa của Vietnam Airline, ông Hà cho biết: “Chúng tôi sẽ xây dựng một ‘big data’ (dữ liệu lớn) để hiểu khách hàng của mình là ai, mong muốn điều gì để từ đó có những hoạt động quảng bá và xúc tiến mang tính cá nhân hóa hơn đối với hành khách. Và sau khi hành trình kết thúc, hãng bay tiếp tục có những trao đổi với khách hàng dựa trên nền tảng số hóa. Đó cũng là xu thế và mong muốn của khách hàng hiện đại.”

Theo đại diện Hãng hàng không quốc gia, những công nghệ mà đơn vị này ứng dụng vào thực tế sẽ từ khâu giữ chỗ cho đến mua vé, thanh toán đến làm thủ tục ở sân bay, lên máy bay thuận lợi. Quy trình đồng bộ và dễ dàng thao tác trên trang web của Vietnam Airlines hay các đại lý đối tác.

Kế hoạch này, nếu được triển khai sớm trong năm nay, có thể nói “cánh tay” của du lịch Việt Nam sẽ vươn dài, vươn xa trong việc quảng bá hình ảnh đất nước một cách đầy mới mẻ bằng công nghệ số, tạo sức hấp dẫn với du khách quốc tế./.

Bài 3: Cái ‘bắt tay’ của những người “cầm trịch” du lịch Việt Nam

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục