Băng trôi lớn Nam cực đe dọa thời tiết toàn cầu

Các nhà khoa học cảnh báo một tảng băng trôi ở Nam cực, có kích cỡ rộng 2.550km2 có thể làm rối loạn diễn biến thời tiết toàn cầu.
Ngày 25/2, các nhà khoa học cảnh báo một tảng băng trôi ở Nam cực, có kích cỡ bằng diện tích lãnh thổ Vương quốc Luxembourg, có thể làm rối loạn các dòng hải lưu lâu nay vẫn chi phối diễn biến thời tiết trên toàn cầu.

Theo nhà khoa học người Pháp Benoit Legresy, người quan sát sông băng Mertz qua những hình ảnh vệ tinh và các thiết bị trên mặt đất từ hàng chục năm nay cùng với các nhà khoa học Australia, tảng băng trôi nói trên rộng 2.550km2, dày 400m và nặng khoảng một tỷ tấn.

Nó tách khỏi sông băng Mertz hình lưỡi từ giữa tháng này, sau cú va chạm với một tảng băng trôi cùng kích cỡ nhưng nhiều năm tuổi hơn có tên B9B. Bản thân sông băng Mertz trước đó đã tách khỏi lục địa Nam cực và đang có chiều hướng trôi dạt từ Đông Nam cực về phía thành phố Melbourne của Australia.

Kể từ khi tách khỏi sông băng Mertz, tảng băng trôi mới và B9B đã di chuyển vào vùng biển liền kề, có nguy cơ tác động xấu đến vành đai "băng tải" dưới đáy biển, giống vành đai lưu thông khí quyển trên mặt đất.

Nếu các tảng băng trôi này di chuyển về phía Đông hướng tới thềm lục địa, hoặc về phía Bắc tới những vùng biển ấm hơn, thì chúng sẽ không tác động đến các dòng hải lưu. Nếu dừng lại ở vùng biển liền kề nơi chúng tách ra, các tảng băng trôi này sẽ cản trở việc hình thành vành đai "băng tải", khiến mùa Hè nơi đây kéo dài hơn và nhiệt độ tăng cao hơn.

Các nhà khoa học dự đoán nếu trôi nổi, các tảng băng trôi này có thể "chết tự nhiên", tức tan chảy, trong vòng vài thập kỷ. Trong trường hợp dính lại với lục địa Nam cực, sự tồn tại của các tảng băng trôi này có thể kéo dài hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục