Báo Canada: Kinh tế toàn cầu bắt đầu hưởng lợi từ giá dầu giảm

Nếu giá dầu còn ở mức từ 50-60 USD/thùng, người tiêu dùng và các doanh nghiệp còn được hưởng lợi từ giá năng lượng thấp, làm tăng thu nhập thực tế và thúc đẩy chi tiêu của hộ gia đình.
Báo Canada: Kinh tế toàn cầu bắt đầu hưởng lợi từ giá dầu giảm ảnh 1Cơ sở lọc dầu Zawiya cách thủ đô Tripoli, Libya khoảng 40km về phía tây. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau một thời gian chao đảo, nền kinh tế toàn cầu cuối cùng cũng đã có những dấu hiệu phản ứng tích cực đối với việc giá dầu giảm mạnh trong 12 tháng qua.

Hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới nhập khẩu hàng triệu thùng dầu mỗi ngày và đây là lý do để dự báo kinh tế toàn cầu được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm xuống một nửa, cho dù tăng trưởng toàn cầu giảm vào cuối năm 2014 và quý đầu năm 2015.

Các yếu tố tiêu cực diễn ra khắp nơi trên thế giới như bi kịch nợ của Hy Lạp dẫn đến sự mong manh của Liên minh châu Âu (EU), bất ổn chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi, sự trượt dốc trong hoạt động của các thị trường lớn đang nổi, đặc biệt là Brazil, Nga và Argentina.

Tuy nhiên, nếu giá dầu còn ở mức từ 50-60 USD/thùng, người tiêu dùng và các doanh nghiệp còn được hưởng lợi từ giá năng lượng thấp, làm tăng thu nhập thực tế và thúc đẩy chi tiêu của hộ gia đình. Danh sách dài các nền kinh tế lớn thế giới đang hưởng lợi từ giá dầu giảm bao gồm Mỹ, hầu hết châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ.

Hội đồng hội nghị Canada (CBC) vừa đưa ra dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay và 3,2% trong năm 2016. Tại Mỹ, giá xăng dầu giảm đang tiết kiệm cho các gia đình trung bình 50 USD hoặc hơn mỗi tháng.

Theo CBC, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ phục hồi sau khi sụt giảm trong quý 1 và đạt mức 3% trong ba quý còn lại của năm, cũng như trong năm 2016.

Tại các khu vực nhập khẩu dầu mỏ khác, châu Á dự được kiến tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay. Một số nước nhỏ hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương còn được hưởng lợi từ đồng tiền nội địa yếu hơn và giá năng lượng thấp. Chương trình nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cùng với giá trị yếu của đồng euro sẽ giúp vực dậy tăng trưởng trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Tuy nhiên, áp lực tiêu cực cũng xảy ra, đặc biệt là với các nước xuất khẩu dầu mỏ như Nga, Iran, Iraq và Venezuela. Tất cả các nước này đều chịu đòn giáng mạnh ở lĩnh vực xuất khẩu, tiền tệ và vị thế tài chính. Tuy nhiên, không giống như các nhà sản xuất dầu khác, Saudi Arabia có "nội lực" lớn để đối phó với khoảng trống tài chính nội bộ ngắn hạn. Không có dấu hiệu cho thấy Chính phủ Saudi Arabia dao động trong ý định chấm dứt vai trò “con lắc” trong hoạt động sản xuất dầu để bình ổn giá dầu thế giới.

Với Canada, cơn sốc giá dầu cũng đang tác động mạnh tới nền kinh tế nước này. CBC dự kiến tăng trưởng của Canada sẽ giảm xuống mức 1,9% trong năm 2015 và phục hồi lên 2,3% vào năm 2016. Lĩnh vực năng lượng định hướng xuất khẩu và các tỉnh sản xuất dầu - nhất là các tỉnh Alberta và Newfoundland, hiện đối mặt với suy thoái kinh tế, đang chịu các tác động tiêu cực từ việc giá dầu giảm tới việc làm, thu nhập và cân bằng ngân sách tỉnh.

Trong khi đó, triển vọng của các tỉnh còn lại đã được cải thiện chút ít với việc người tiêu dùng và các doanh nghiệp tận dụng được việc giá xăng và các sản phẩm liên quan rẻ hơn. Giá dầu giảm tác động tới nền kinh tế Canada không đồng đều tùy theo lĩnh vực và khu vực. Có thể nói Canada là mô hình thu nhỏ của thế giới với tác động của giá dầu giảm. Giá dầu thấp đang bắt đầu góp phần cho tăng trưởng toàn cầu dù ở đó có cả người thắng và kẻ thua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục