Bệnh viện Nhi đồng 2 ghép thận cho bệnh nhi từ người cho chết não

Sau khâu sàng lọc tìm người ghép thận phù hợp, các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận thận hiến từ Bệnh viện Chợ Rẫy và tiến hành ghép thận cho bệnh nhi sinh năm 2007.
Bệnh viện Nhi đồng 2 ghép thận cho bệnh nhi từ người cho chết não ảnh 1Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện ca ghép thận cho bệnh nhi. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 9/9, bác sỹ Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các bác sỹ của bệnh viện vừa thực hiện thành công ca ghép thận cho trẻ em từ tạng hiến của người chết não.

Đây là ca ghép thận thứ 23 được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và là trường hợp thứ 2 ghép thận từ người cho chết não.

Nam bệnh nhi sinh năm 2007 (ngụ tỉnh Đồng Nai) được chẩn đoán viêm cầu thận mạn tính, khả năng xơ hóa cầu thận khu trú từng phần từ năm 2020.

Tại thời điểm được ghép thận, bệnh nhi đang được chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Đều đặn 3 lần/tuần, bệnh nhi từ Đồng Nai lên Thành phố Hồ Chí Minh chạy thận.

Ngày 20/8, Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận được thông tin có người chết não hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Ngay lập tức, bệnh viện đã kích hoạt quy trình ghép thận từ người cho chết não một cách nhanh chóng, toàn diện.

Sau khâu sàng lọc tìm người ghép thận phù hợp, các bác sỹ đã nhận thận hiến từ Bệnh viện Chợ Rẫy và tiến hành ghép thận cho bệnh nhi. Sau 3 giờ 15 phút, ca ghép thận hoàn thành với sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bệnh nhi có nước tiểu ngay trên bàn mổ, kết quả siêu âm ngay sau phẫu thuật ghép cho thấy thận tưới máu tốt, thận ghép không ứ nước.

Sau 2 tuần nằm viện, bệnh nhi hồi phục và đã có thể xuất viện.

“Ca ghép này mang tính chất nhân văn lớn vì bệnh nhi được nhận từ người hiến chết não, góp phần tái sinh cuộc sống mới cho bé. Trước đây, ba của bé có dự định hiến thận cho con nhưng tuổi cao, lại là lao động duy nhất trong gia đình. Tất cả gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương bảo vệ ít ỏi của người cha nên khi ghép thận cho bé, Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đã tích cực vận động hỗ trợ chi phí cho ca mổ,” bác sỹ Trịnh Hữu Tùng chia sẻ.

[Các bác sỹ Việt Nam đã tiến hành hơn 6.500 ca ghép tạng trên toàn quốc]

Theo bác sỹ Trịnh Hữu Tùng, khác với các trường hợp ghép từ người sống sang người sống, ghép từ người hiến chết não sang người sống khó hơn nhiều. Với các ca ghép từ người sống, kíp mổ có bức tranh rõ ràng hơn qua thăm khám để nhận diện các hình ảnh mạch máu, phục vụ kiểm soát khi lấy và ghép tạng.

Với người hiến trong trường hợp này, êkíp mổ không thể biết trước để phác họa rõ ràng. Vậy nên, ngoài quy trình chặt chẽ yêu cầu êkíp mổ phải thao tác chuẩn xác, kịp thời, nhanh chóng.

Tiến sỹ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng Khoa Thận Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 thông tin do dân số tăng, mô hình bệnh tật thay đổi, tỷ lệ bệnh nhân suy thận mạn gia tăng, trong đó có trẻ em.

Thống kê hiện tại, tỷ lệ sống còn của bệnh nhân ghép thận sau 1 năm là 98% và sau 5 năm khoảng 86%. Trong khi đó, với phương pháp khác như chạy thận nhân tạo, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ khoảng 40-50%.

Tuy nhiên, việc ghép thận lại bị giới hạn bởi nguồn tạng hiến. Với trẻ em, đa phần nguồn hiến tạng đều từ người cho sống, chủ yếu bố mẹ cùng huyết thống. Trong khi đó, nguồn tạng hiến từ người chết não rất khan hiếm, các quy định của pháp luật vẫn chưa cho phép trẻ em dưới 18 tuổi chết não được hiến tạng. Do đó, cơ hội để trẻ em nhận tạng hiến từ người cho chết não vô cùng ít ỏi.

Hiện, Bệnh viện Nhi đồng 2 là bệnh viện nhi khoa duy nhất tại khu vực phía Nam triển khai ghép gan, ghép thận và ghép tế bào gốc cho trẻ em./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục