Bộ trưởng Y tế: Ba thay đổi chiến lược trong chống dịch COVID-19

Ngành y tế đã thay đổi chiến lược cho phù hợp trong đợt COVID-19 này như: Xét nghiệm gộp mẫu nhiều hơn, có phương án cách ly đối với tùy từng đối tượng trẻ em và giải tỏa hàng hóa từ khu vực có dịch.
Bộ trưởng Y tế: Ba thay đổi chiến lược trong chống dịch COVID-19 ảnh 1Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp trực tuyến. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đợt dịch COVID-19 thứ ba ở Việt Nam từ ngày 27/1 đến nay với số lượng người mắc gia tăng nhanh, với gần 400 trường hợp.

Trước tình hình mới, ngành y tế đã có nhiều thay đổi chiến lược cho phù hợp như: Xét nghiệm gộp mẫu nhiều hơn, có phương án cách ly đối với tùy từng đối tượng trẻ em và giải tỏa hàng hóa từ khu vực có dịch. Đây chính 3 điểm mới trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp trực tuyến sáng 5/2 với các địa phương có ca mắc COVID-19.

Gộp tới 16 mẫu xét nghiệm

Phát biểu tại buổi giao ban, giáo sư Nguyễn Thanh Long cho hay trước đây trong đợt dịch tại Đà Nẵng, Bộ Y tế cho phép gộp 5 mẫu trong một lần xét nghiệm. Tuy nhiên, do nhu cầu cần xét nghiệm diện rộng tại Quảng Ninh và Cẩm Giàng (Hải Dương), Bộ Y tế cho phép có thể gộp 10-16 mẫu trong một lần xét nghiệm, gộp theo hộ gia đình, thậm chí có thể lên tới 16 mẫu. Nhóm mẫu nào có trường hợp dương tính sẽ lập tức cách ly toàn bộ gia đình và tiến hành lấy mẫu làm lại lần thứ 2 xác định ca dương tính.

[Bộ Y tế tiếp nhận 21 tỷ đồng mua vắcxin phòng chống dịch COVID-19]

"Nếu phát hiện mẫu gộp dương tính thì cách ly cả gia đình đó luôn, sau đó lấy mẫu xét nghiệm lại từng người để phân loại F0, F1," Bộ trưởng Y tế yêu cầu.

Theo ông Long, tổng số hộ gia đình tại thành phố Hạ Long là 30.000 hộ nhưng khuyến cáo của ngành y tế là lấy ở khu có người nhiễm trước rồi mới lấy rộng ra các hộ khác. Bộ Y tế đề nghị các Viện sẽ hỗ trợ địa phương lấy gộp mẫu và chung ống xét nghiệm.

Phương án cách ly đối với trẻ em

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thay đổi chiến lược thứ hai là trẻ em dưới 5 tuổi sẽ được cách ly nghiêm ngặt tại nhà.

Thời gian qua, các địa phương thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung, nhưng do tính mới của chủng virus lần này nên Bộ sẽ thay đổi lại phương thức bảo đảm giúp gia đình có trẻ em sẽ yên tâm hơn. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần phải phân loại hai nhóm trẻ để thực hiện cách ly.

Nhóm trẻ dưới 5 tuổi có thể thực hiện cách ly tại nhà nghiêm ngặt do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm và có điều kiện đi kèm như: chỉ được một người trông; người trông phải có sức khỏe tốt và gia đình đó không có người già, không có bệnh lý nền. Việc này, Bộ Y tế hiện đã thực hiện tại Cẩm Giàng, Hải Dương và một số địa phương khác.

Với trẻ trên 6 tuổi trở lên, áp dụng mô hình phân kỳ cách ly tập trung. Trẻ sẽ được áp dụng cách ly tập trung trong bảy ngày đầu và lấy mẫu ngày 1, ngày 3 và ngày 7.

Bộ trưởng Y tế: Ba thay đổi chiến lược trong chống dịch COVID-19 ảnh 2Cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Y tế với các địa phương sáng 5/2. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khi trẻ có kết quả âm tính, trẻ sẽ được cách ly tại nhà theo quy định rất nghiêm ngặt với sự giám sát của chính quyền địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay: "Chính quyền địa phương là đơn vị cuối cùng quyết định cuối cùng việc cách ly tại nhà của trẻ. Việc này giúp các địa phương trong việc cách ly trẻ và giúp trẻ trở về nhà sau thời gian cách ly.”

Giải tỏa hàng hóa từ khu vực có dịch

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết trong đợt dịch này tình hình giao lưu hàng hóa tại các vùng có dịch đến các địa phương khác rất khó khăn.

Quan điểm Thủ tướng là không ngăn sông cấm chợ, lưu thông hàng hóa, vì vậy Bộ trưởng đề nghị các địa phương nếu đảm bảo công suất xét nghiệm có thể vận chuyển hàng hóa ra ngoài tỉnh thông qua kiểm soát chặt hàng hóa và người chuyên chở hàng hóa.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý phải kiểm soát chặt hàng, người chở và người đi kèm. Bộ đã có hướng dẫn, tuy nhiên có điểm thay đổi là tất cả tài xế vận chuyển hàng hóa, người đi kèm phải làm xét nghiệm 2 ngày/lần, quá trình vận chuyển phải áp dụng các biện pháp chống dịch: Đeo khẩu trang, mở cửa, không đóng kín, ghi chép lại hành trình, hạn chế tiếp xúc…

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: "Nếu người dân mất thêm cái Tết nữa thì sẽ thêm khó khăn, nên phải thay đổi đổi để vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa, vừa đảm bảo phòng dịch. Địa phương nào để dịch xảy do đối tượng này thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục