Sáng 8/10, Bộ Y tế tổ chức phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển từ ngày 16-23/10 với chủ đề: Phát triển VAC giúp cải thiện chất lượng bữa ăn gia đình và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chiến dịch trên nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và nhằm hưởng ứng Ngày lương thực thế giới (16/10).
Theo thông tin từ Viện Dinh dưỡng, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng "kép" về bệnh tật. Trong khi tỷ lệ mắc các bệnh do nguyên nhân nhiễm trùng đang giảm thì tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm lại ngày càng gia tăng.
Tại bệnh viện, trong khi tỷ lệ các bệnh truyền nhiễm giảm từ 55% năm 1976 xuống còn 19% năm 2010 thì tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm tăng nhanh từ 42% lên 71%. Tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 73% các trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong đó đứng đầu là tử vong do tim mạch (33%) và thứ hai là do ung thư (18%).
Phó giáo sư Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, chế độ dinh dưỡng không hợp lý là một yếu tố nguy cơ quan trọng của sự gia tăng nhanh chóng của một số bệnh không lây nhiễm.
Các số liệu điều tra toàn quốc ở người trưởng thành cho thấy, các bệnh không lây nhiễm gia tăng như bệnh tăng huyết áp, tỷ lệ thừa cân-béo phì, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường…
Đặc biệt, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường ở người trưởng thành tại Việt Nam đang gia tăng một cách nhanh chóng. Trong 10 năm qua, số người mắc bệnh đái tháo đường tăng lên 211%, với gần 5 triệu người mắc bệnh. Trong đó, cứ 10 ca mắc bệnh thì có 6 ca được chẩn đoán có biến chứng.
Theo phó giáo sư Mai, có 65% bệnh nhân không hề biết mình mắc bệnh đái tháo đường và thường đến bệnh viện khi bệnh đã nặng, xuất hiện nhiều biến chứng về mắt, thận, tim mạch vành, tai biến mạch máu não, hoại tử bàn chân…
Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị người dân để tránh nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm cần giảm mức tiêu thụ đường trong khẩu phần ăn hằng ngày. Người dân nên sử dụng lượng đường không quá 10% tổng năng lượng khẩu phần và để tốt hơn cho sức khỏe nên giảm dưới 5% tổng năng lượng khẩu phần.
WHO cũng khuyến nghị người dân tăng cường sử dụng nguồn chất xơ, vitamin, chất khoáng trong các bữa ăn mỗi ngày, tiêu thụ 400gam rau/người/ngày./.
Các thông điệp chính trong chiến dịch truyền thông Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển:
- Phát triển VAC giúp cải thiện chất lượng bữa ăn gia đình và nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Phát triển VAC hợp lý để bảo vệ môi trường, tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn, giàu dinh dưỡng.
- Lựa chọn, chế biến, sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm sẵn có ở địa phương cho bữa ăn gia đình.
- Dinh dưỡng hợp lý để phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam.
- Toàn dân thực hiện 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý.