Cách đối phó với những mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên

Triều Tiên tiếp tục đưa ra những lời chỉ trích gay gắt đối với Mỹ ngay cả khi Mỹ và đồng minh Hàn Quốc không ngừng đưa ra những thông điệp và cử chỉ sẵn sàng đối thoại.
Cách đối phó với những mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên ảnh 1Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Trang mạng nationalinterest.org, AFP và Yonhap đưa tin, Triều Tiên tiếp tục đưa ra những lời chỉ trích gay gắt đối với Mỹ ngay cả khi Mỹ và đồng minh Hàn Quốc không ngừng đưa ra những thông điệp và cử chỉ sẵn sàng đối thoại.

Bàn về những biện pháp đối phó với mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên, trang mạng tạp chí The National Interest cho rằng Washington cần phối hợp với Moskva để thảo luận về những vấn đề ổn định chiến lược nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Mỹ phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trong bối cảnh mối đe dọa từ Triều Tiên ngày càng khó lường.

Nỗi giận chưa nguôi ngoai

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ trích Mỹ là "nguồn cơn" gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn phát biểu ngày 11/10 của ông Kim Jong-un tại một triển lãm phát triển quốc phòng rằng Mỹ là "nguyên nhân gốc rễ" của sự bất ổn và cho dù Washington phủ nhận, cũng không có cơ sở để "tin rằng Mỹ không thù địch" với Bình Nhưỡng.

Thông điệp này của ông Kim Jong-un được phát đi sau khi Triều Tiên trong những tuần qua thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa được phóng từ tàu hỏa và thử nghiệm một loại tên lửa mà nước này gọi là tên lửa siêu thanh.

Theo trang mạng tạp chí The National Interest, những bước tiến này cho thấy Triều Tiên đã nâng cao khả năng sẵn sàng điều động và tác chiến các loại tên lửa của mình.

[Triều Tiên khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường khả năng tự vệ] 

Từ New York, đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song cũng phát đi thông điệp cứng rắn khi tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục tăng cường khả năng răn đe "phòng vệ," đồng thời cho rằng những hoạt động quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ đang đạt cấp độ "nguy hiểm."

Phát biểu tại phiên thảo luận chung của Ủy ban thứ nhất của Liên hợp quốc, đại sứ Kim Song nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẽ không nhượng bộ "một ly một lai" nào để bảo vệ chủ quyền của mình.

Gần đây, Triều Tiên liên tiếp đưa ra những cáo buộc Seoul và Washington áp dụng "tiêu chuẩn kép" khi chỉ trích các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng là hành động gây hấn, nhưng lại biện minh cho những vụ thử nghiệm của họ là hành động "ngăn chặn."

Đầu năm 2021, Mỹ đã gỡ bỏ những quy định ngăn cản Seoul phát triển hoặc sở hữu tên lửa đạn đạo có tầm hoạt động tối đa lớn hơn 800km. Tháng Tám vừa qua, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành tập trận chung, hoạt động mà Bình Nhưỡng luôn coi là chuẩn bị để xâm chiếm nước này.

Seoul cũng đang ấp ủ kế hoạch chi tiêu nhiều tỷ USD để củng cố năng lực quân sự của mình. Tháng 9/2021, Seul đã thử thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đầu tiên của mình, đưa nước này vào danh sách "câu lạc bộ" những nước sở hữu công nghệ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đã qua thử nghiệm.

Tuần trước, Bình Nhưỡng và Seoul đã nối lại đường dây nóng liên Triều, một động thái được xem là "phá băng" quan hệ chỉ vài tháng trước kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông Moon Jae-in, người luôn ủng hộ các chính sách tái can dự với Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Kim Jong-un vẫn cáo buộc Seoul có thái độ "hai mặt" và "tham vọng liều lĩnh."

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden liên tiếp phát đi thông điệp sẵn sàng đối thoại với giới chức Triều Tiên vào bất kỳ địa điểm nào và bất kỳ lúc nào mà không đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Thế nhưng, cho đến nay, Bình Nhưỡng vẫn chưa đáp lại thông điệp này.

Thời kỳ củng cố hệ thống chính trị trong nước

Theo hãng tin AFP, thời gian vừa qua diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của Bình Nhưỡng, bao gồm kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên và những hoạt động liên quan. Trong bài phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đề cập đến "tình hình u ám" của đất nước và kêu gọi duy trì tính kỷ luật và lòng trung thành với đảng và nhà nước.

Đầu năm 2021, Bình Nhưỡng đã quyết định đóng cửa biên giới với Trung Quốc, một đồng minh ngoại giao chủ chốt và đối tác thương mại và viện trợ quan trọng đối với Triều Tiên, nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 vốn xuất hiện đầu tiên ở thành phố Vũ Hán.

Cách đối phó với những mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên ảnh 2Trên một đường phố ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Triều Tiên khẳng định nước này không ghi nhận bất kỳ ca lây nhiễm COVID-19 nào, điều khiến giới chuyên gia hoài nghi. Tuy nhiên, các biện pháp đóng cửa biên giới mà nước này đặt ra trên thực tế đã đẩy Triều Tiên vào tình trạng cô lập hơn nữa và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của nước này.

Bất chấp những khó khăn về kinh tế, giới chuyên gia của Liên hợp quốc phụ trách về Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phát triển chương trình vũ khí của mình.

Cách đối phó mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên

Lâu nay, Washington vẫn đối phó với mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên thông qua các hoạt động ngoại giao, những mối quan hệ đồng minh, đòn trừng phạt và phô diễn sức mạnh quân sự, trong đó sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa. Một lợi thế mà các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đem lại là khả năng ngăn chặn nhu cầu triển khai vũ khí hạt nhân hoặc các phương tiện gây leo thang căng thẳng khác.

Hiện Mỹ đang sử dụng công cụ đối phó chủ chốt là hệ thống Phòng thủ giai đoạn giữa đặt trên mặt đất (GBMD), vốn được triển khai từ năm 2004. Dự kiến, Washington sẽ triển khai máy bay đánh chặn thế hệ mới nhằm áp đảo mối đe dọa của Triều Tiên.

Với kế hoạch này, Quốc hội Mỹ gần đây đã kêu gọi Lầu Năm Góc tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh để có thể sản xuất được loại máy bay đánh chặn kiểu này với chi phí hiệu quả nhất và đưa vào hoạt động kịp thời nhất.

Tuy nhiên, điểm bất lợi mà Mỹ đang gặp phải đối với những chương trình phòng thủ tên lửa của mình là sự phản đối của Nga. Moskva lo ngại việc Washington phát triển những hệ thống này sẽ làm gia tăng nhận thức về mối đe dọa mà Nga gây ra.

Bên cạnh đó, Nga lâu nay vẫn có mưu đồ làm suy yếu sức mạnh của Mỹ và phương Tây. Do đó, từ nhiều năm nay, Moskva đã dùng mọi biện pháp để trì hoãn hoặc "phá bĩnh" các chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ như đưa ra những chỉ trích và uy hiếp các đối tác của Mỹ.

Theo The National Interest, thay vì theo đuổi những nỗ lực cản trở năng lực phòng thủ của nhau, cả Nga và Mỹ có thể cùng nhau xử lý những quan ngại về hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tại các cuộc đối thoại song phương được tái khởi động gần đây liên quan sự ổn định chiến lược. Ví dụ, hai bên có thể trao đổi những đánh giá về những mối đe dọa tên lửa và những biện pháp giảm thiểu rủi ro có thể triển khai trong khu vực.

Moskva và Washington cũng cần tăng cường kiềm chế động lực chính của Mỹ khi phát triển và triển khai các chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo trong bối cảnh mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên ngày càng tinh vi và khó đoán định. Nga và Mỹ cần khẩn trương kêu gọi Triều Tiên giảm bớt các chương trình tên lửa gây bất ổn của họ.

Ngoài ra, Washington cũng cần đầu tư để có được những hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh mẽ ở Guam, Hawaii và Palau cũng như đầu tư vào các hệ thống siêu giám sát toàn cầu bằng công nghệ cảm biến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục