Cơ quan quản lý ngân hàng của Canada đã tạm thời tịch thu tài sản của chi nhánh duy nhất của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) tại Canada sau khi tổ chức tài chính này phá sản.
Các cơ quan quản lý ngân hàng của Mỹ đã buộc phải đóng cửa khẩn cấp tổ chức có trụ sở tại California vào thứ Sáu (10/3) sau khi hàng tỷ USD bị rút bởi những người gửi tiền. Việc này đã dẫn đến một cuộc tháo chạy khỏi ngân hàng SVB, vốn phục vụ rất nhiều cho các công ty trong lĩnh vực công nghệ.
Hiện vẫn có lo ngại về việc các ngân hàng khác có thể gặp khó khăn tương tự, nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden sáng ngày 13/3 nhấn mạnh rằng: “Người Mỹ có thể tin tưởng rằng hệ thống ngân hàng an toàn. Tiền gửi sẽ ở đó khi bạn cần chúng.”
Các khách hàng của SVB sẽ vẫn có quyền truy cập vào tiền gửi của họ và người nộp thuế sẽ không phải chịu bất kỳ tổn thất nào. Thay vào đó, số tiền này sẽ đến từ phí mà các ngân hàng trả cho quỹ bảo hiểm tiền gửi của Mỹ.
Ông Biden cũng cho biết thêm việc ban quản lý SVB sẽ bị sa thải nếu các cơ quan quản lý của Mỹ tiếp quản và tuyên bố chính quyền của ông sẽ hành động để đảm bảo những vụ sụp đổ này không xảy ra nữa.
[Tổng thống Mỹ khẳng định hệ thống ngân hàng trong nước vẫn ổn định]
Trong một tuyên bố được đưa ra vào hôm 12/3, Văn phòng giám sát các định chế Tài chính Canada (OSFI) cho biết chi nhánh Toronto của SVB chủ yếu cho các khách hàng doanh nghiệp vay và chi nhánh này không nắm giữ bất kỳ khoản tiền gửi thương mại hoặc cá nhân nào ở Canada.
Giám đốc OSFI Peter Routledge cho biết ông cũng đã đưa ra thông báo về ý định kiểm soát vĩnh viễn tài sản của chi nhánh SVB ở Canada và đang yêu cầu Tổng chưởng lý Canada xin lệnh giải thể.
Bằng cách nắm quyền kiểm soát tạm thời, OSFI đang hành động để bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ nợ của chi nhánh SVB.
Quy mô nắm giữ và hoạt động của SVB tại quốc gia này khiến ngân hàng này trở thành một công ty cho vay tương đối nhỏ trong hệ thống tài chính của Canada. Theo hồ sơ của OSFI, SVB có 435 triệu CAD dư nợ cho vay tính đến cuối năm ngoái ở Canada và 864 triệu CAD tổng tài sản.
SVB đã mở chi nhánh tại Canada vào năm 2019. SVB phục vụ hầu hết các giới công nhân công nghệ và các công ty được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm, bao gồm một số thương hiệu nổi tiếng nhất trong ngành này. Đây là một trong những vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
OSFI cho biết họ đã giám sát chặt chẽ chi nhánh SVB tại Canada kể từ khi ngân hàng bắt đầu gặp khó khăn. Trên cơ sở các tiêu chuẩn quốc tế Basel III được chấp nhận trên toàn cầu, cơ quan này tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ các ngân hàng do liên bang quản lý ở Canada, bao gồm các yêu cầu mạnh mẽ về mức độ an toàn vốn và thanh khoản.
Trong một tuyên bố vào tối 12/3 sau cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo ngành tài chính Canada và Ngân hàng Canada, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland cho biết: “Hệ thống ngân hàng được quản lý tốt của quốc gia này rất lành mạnh và linh hoạt.”
Cổ phiếu ngân hàng ở châu Âu và châu Á lao dốc vào ngày 13/3 khi động thái bảo lãnh tiền gửi của SVB của Mỹ không thể trấn an các nhà đầu tư rằng các ngân hàng khác vẫn vững mạnh về tài chính. Các chỉ số chính của Phố Wall mở cửa thấp hơn vào thứ 2 (13/3) khi cổ phiếu ngân hàng sụt giảm do lo ngại về sự lây lan sau sự sụp đổ.
Chỉ số Dow Jones giảm 89,71 điểm khi mở cửa xuống mức 31.819,93. Chỉ số S&P 500 mở cửa giảm 26,47 điểm xuống mức 3.835,12, trong khi Nasdaq Composite giảm 97,43 điểm xuống mức 11.041,46 khi mở cửa. Trong khi đó, chỉ số TSX Composite của Canada mở cửa ở mức 19.549 điểm - thấp hơn 225 điểm so với khi đóng cửa vào hôm 10/3 ở mức 19.774.
Sau một ngày cuối tuần đầy kịch tính, các nhà quản lý Mỹ hôm 12/3 đã vào cuộc sau sự sụp đổ của ngân hàng. Khách hàng của SVB sẽ có quyền truy cập vào tất cả các khoản tiền gửi của họ bắt đầu từ 13/3 và các cơ quan quản lý đã thiết lập một cơ sở mới để cung cấp cho các ngân hàng quyền truy cập vào các quỹ khẩn cấp.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các ngân hàng vay từ quỹ này trong trường hợp khẩn cấp./.