Châu Âu lên tiếng về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

EU kêu gọi các bên cần tuân thủ Luật Biển UNCLOS cũng như trách những hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh khu vực.
Châu Âu lên tiếng về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh 1Tàu Trung Quốc ngang ngược uy hiếp tàu Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam (Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam)

Ngày 8/5, người phát ngôn của Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu EU đã đưa ra quan điểm về những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) vào hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, cũng như việc các tàu thuyền nước này, trong đó có tàu quân sự, uy hiếp, gây hại cho các tàu thuyền Việt Nam.

Theo đó, cơ quan phụ trách đối ngoại của châu Âu kêu gọi các bên cần tuân thủ Luật Biển UNCLOS, tránh những hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh khu vực.

Tuyên bố viết: "Chúng tôi quan ngại về những rắc rối giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến hoạt động của giàn khoan Trung Quốc Hải Dương 981.

Cụ thể, EU lo ngại các hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh trong khu vực, bằng chứng là các vụ va chạm gần đây giữa các tàu của Việt Nam và Trung Quốc.

Chúng tôi thúc giục các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, và tiếp tục đảm bảo tự do và an toàn hàng hải.

Chúng tôi cũng kêu gọi các bên thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng và tránh đưa ra các hành động đơn phương có thể gây bất lợi cho hòa bình và ổn định tại khu vực.

EU sẽ tiếp tục theo dõi sát các diễn biến này."

Trước đó, ngày 4/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố nêu rõ: "Vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan Hải Dương -981 nêu trong thông báo hàng hải của Cục Hải sự Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý.

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982."

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 7/5 cũng đã tổ chức họp báo quốc tế với sự tham gia của đại diện một số ban ngành, trong đó lực lượng cảnh sát biển Việt Nam cho biết Trung Quốc đã điều nhiều tàu, gồm cả tàu quân sự và máy bay hoạt động sâu trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, uy hiếp và gây hại cho các tàu Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục