Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng

100% chủ rừng - tổ chức nhà nước và Ủy ban Nhân dân cấp xã - trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã trực tiếp mở tài khoản ngân hàng cho người dân nhận khoán bảo vệ rừng.
Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng ảnh 1Người dân tham gia công tác tuần tra, bảo vệ rừng được giao khoán. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Tính đến cuối tháng 6/2019, 100% chủ rừng - tổ chức nhà nước và Ủy ban Nhân dân cấp xã - trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã trực tiếp mở tài khoản ngân hàng cho người dân nhận khoán bảo vệ rừng và chuyển trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản.

Gần 2.000 tài khoản thuộc một số ngân hàng trên địa bàn đã được mở cho các đối tượng này với tổng số tiền chi trả hơn 50 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai Nguyễn Xuân Thưởng cho biết việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng nhằm đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và giảm thiểu rủi ro trong tổ chức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân nhận khoán bảo vệ môi trường rừng.

Chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân, giúp người dân tộc thiểu số giữ được tiền, tránh việc mất cắp tiền, mua đồ đạc ồ ạt sau khi nhận tiền mặt như trước đây trong vùng dân tộc thiểu số.

[Cháy rừng ở miền Trung - nhìn lại yếu tố tự nhiên và xã hội]

Ông Rơ Chăm Dun, làng Brock, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, kể: "Trước đây, cứ mỗi lần nhận tiền từ cán bộ xã là chúng tôi mua trâu, bò ăn mừng, rồi mua xe máy cho con đi... nên không có tiền dành dụm. Từ khi được Nhà nước chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng, gia đình tôi và bà con đã biết tiết kiệm, không tiêu xài hoang phí nữa."

Từ đầu năm 2019 đến nay, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã cải thiện được sinh kế cho gần 12.500 hộ gia đình có nguồn thu nhập từ việc bảo vệ rừng, đại đa số các hộ này là người dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tạo nguồn kinh phí ổn định, bền vững cho các đơn vị có nguồn thu để phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, qua đó giảm tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, địa bàn xảy ra 264 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, giảm 70 vụ so với cùng kỳ năm 2018.

Trong năm 2018, tỉnh Gia Lai có gần 500.000ha rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, trong đó, gần 95.000ha là rừng phòng hộ, hơn 56.000ha là rừng đặc dụng và hơn 300.000ha là rừng sản xuất.

Tổng diện tích rừng này được phân bổ cho các chủ rừng, gồm 20 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; 11 công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp; 8 tổ chức khác; 21 cộng đồng dân cư thôn; 101 Ủy ban Nhân dân cấp xã trên toàn tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục