Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học phải phù hợp với tổng thể quốc gia

Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước

Theo yêu cầu, đối tượng nghiên cứu của quy hoạch bao gồm khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng...
Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước ảnh 1Loài thực vật My Điểm Hồng Nam Động mới được phát hiện tại Khu bảo tồn các loài hạt trần quý hiếm Nam Động, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định số 174/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi nghiên cứu của quy hoạch được triển khai trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả phần đất liền, biển và hải đảo.

Đối tượng nghiên cứu của quy hoạch bao gồm khu bảo tồn thiên nhiên; hành lang đa dạng sinh học; cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; khu vực đa dạng sinh học cao; cảnh quan sinh thái quan trọng; vùng đất ngập nước quan trọng.

Theo đó, mục tiêu lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đặt ra là phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam; quy hoạch bảo đảm tính liên kết tổng thể trên phạm vi từng vùng, tính đồng bộ về phạm vi, thời kỳ quy hoạch, thứ tự ưu tiên và khả năng đáp ứng nguồn lực theo giai đoạn.

[Ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã để phòng virus nCoV]

Nội dung lập quy hoạch tập trung đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội ảnh hưởng đến đa dạng sinh học các vùng sinh thái trên đất liền và các vùng biển; đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học các vùng sinh thái trên đất liền và các vùng biển; đánh giá hiện trạng các rạn san hô, thảm cỏ biển và vùng nước trồi.

Cùng với đó, đánh giá hiện trạng các đối tượng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học các vùng sinh thái trên đất liền và các vùng biển; xây dựng các bản đồ hiện trạng đa dạng sinh học, hiện trạng các đối tượng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cho từng vùng sinh thái; bản đồ xác định các khu vực ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học trong kỳ quy hoạch cho từng vùng sinh thái...

Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhiệm vụ quy hoạch cũng hướng tới việc dự báo xu thế diễn biến đa dạng sinh học thời kỳ quy hoạch đối với hệ sinh thái đất liền; dự báo các áp lực do hoạt động phát triển, khai thác đối với đa dạng sinh học trong thời kỳ quy hoạch đối với các hệ sinh thái đất liền và biển.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch cũng cần xác định các mục tiêu cụ thể bảo tồn đa dạng sinh học toàn quốc và theo từng vùng sinh thái; xác định các chỉ tiêu cụ thể đối với các đối tượng nghiên cứu của quy hoạch; xác định tên gọi, vị trí địa lý, quy mô diện tích, loại hình, mục tiêu, chế độ và phân cấp quản lý các đối tượng nghiên cứu của quy hoạch; xây dựng các kế hoạch phát triển, biện pháp tổ chức, quản lý và phát triển bền vững đối với từng đối tượng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.

[Bộ Tài nguyên Môi trường thông tin việc xử lý khẩu trang phòng n-CoV]

Để thực hiện các nhiệm vụ lập Quy hoạch trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phê duyệt chi tiết nội dung, dự toán của dự án và lựa chọn đơn vị lập quy hoạch theo đúng quy định hiện hành.

Cơ quan này cũng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thực hiện lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả.

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 20.000 loài thực vật, trên 10.500 loài động vật trên cạn, trên 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt, trên 11.000 loài sinh vật biển và khoảng 7.500 chủng vi sinh vật. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh, phát triển thiếu quy hoạch, thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng nhiều kết cấu hạ tầng cơ sở... làm giảm đáng kể diện tích sinh cảnh tự nhiên, tăng sự chia cắt các hệ sinh thái, suy giảm môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật hoang dã.

Trước thực tế trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo và trình ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước giai đoạn 2020 đến 2030, với mục tiêu bảo vệ “cái nôi” đa dạng sinh học. Hiện Việt Nam có 9 khu Ramsar là Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Vùng đất ngập nước Bàu Sấu của Vườn Quốc gia Cát Tiên, Hồ Ba Bể, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau Vườn Quốc gia Côn Đảo, Khu Ramsar Láng Sen, Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long.

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ đảm bảo tất cả các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được tổ chức quản lý, bảo tồn và sử dụng khôn khéo cùng với việc phục hồi 25% diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng; thành lập ít nhất 10 khu bảo tồn đất ngập nước và đề cử thành công ít nhất 5 khu Ramsar trên toàn quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục