Chương mới trong quan hệ đồng minh Hàn Quốc và Mỹ

Việc Seoul và Washington đạt thỏa thuận mang tính "nguyên tắc" vào ngày 7/3, chỉ 46 ngày sau khi chính quyền Biden ra mắt là dấu hiệu cho thấy sự mở ra một chương mới của mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ.
Chương mới trong quan hệ đồng minh Hàn Quốc và Mỹ ảnh 1Binh sỹ thuộc Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) làm nhiệm vụ tại căn cứ quân sự Yongsan ở Seoul, Hàn Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) dẫn nhận định của các nhà phân tích sở tại cho rằng việc Seoul và Washington kết thúc các cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí quốc phòng trong tuần này đã đưa liên minh Hàn-Mỹ trở lại vị thế vững chắc và ổn định hơn.

Thỏa thuận dự kiến về việc chia sẻ chi phí để duy trì 28.500 binh sỹ Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc (hay còn gọi là USFK) xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ "tái hồi sinh và hiện đại hóa" các liên minh khi phải đối phó với một Trung Quốc quyết đoán, một Triều Tiên không kiên định và các mối đe dọa chung khác.

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, việc Seoul và Washington đã đạt được một thỏa thuận mang tính "nguyên tắc" vào ngày 7/3 vừa qua, chỉ 46 ngày sau khi chính quyền Biden ra mắt là dấu hiệu cho thấy sự mở ra một chương mới của mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ.

Mặc dù hai bên chưa tiết lộ chi tiết về những gì được quy định trong thỏa thuận vừa đạt được (được cho là sẽ có thời hạn đến năm 2026), song dự kiến sẽ chính thức ký kết trong chuyến thăm Seoul sắp tới của Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (theo kế hoạch sẽ diễn ra vào cuối tháng này).

Giáo sư Chính trị Quốc tế Nam Chang-hee của Đại học Inha (Hàn Quốc) nói: "Ông Joe Biden tin rằng chính quyền của ông Donald Trump trước đây gây đã áp lực không cần thiết lên Hàn Quốc, Nhật Bản và các đồng minh khác đồng thời làm suy yếu tinh thần cần thiết của các liên minh để kiểm soát một Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán."

[Hàn Quốc khẳng định liên minh với Mỹ là cơ sở cho an ninh quốc gia]

Ông nói thêm: "Rõ ràng đã có sự phản ánh nghiêm túc từ phía Washington về cách cựu Tổng thống Trump xem thường các đồng minh của Mỹ bằng cách cư xử một cách tùy tiện và ép họ phải chi nhiều tiền hơn."

Việc kết thúc thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng, còn được gọi là Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA), nhấn mạnh đến ưu tiên hàng đầu của chính quyền của ông Biden trong việc thúc đẩy các liên minh dân chủ của Mỹ, vốn đã bị phá hoại bởi cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" mang tính thương mại và hướng nội của ông Trump.

Tờ Wall Street Journal đăng tin cho rằng SMA mới sẽ kéo dài đến năm 2025, song không nêu rõ các chi tiết như tổng chi phí mà Hàn Quốc đồng ý "chia sẻ" với Mỹ.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc có đoạn viết: "Bằng cách nhanh chóng ký kết thỏa thuận, chính phủ Hàn Quốc đã giải quyết được tình trạng không có thỏa thuận vốn kéo dài hơn một năm qua và góp phần củng cố liên minh Hàn-Mỹ, vốn được coi là nền tảng của hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên và ở Đông Bắc Á."

Các cuộc đàm phán SMA giữa Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu từ tháng 9/2019, song đã bị trì hoãn do chính quyền Trump yêu cầu mức đóng góp tăng hơn gấp 5 lần (từ mức năm 2019), lên 5 tỷ USD và sau đó giảm còn 1,3 tỷ USD, song vẫn tăng khoảng 50%.

Bế tắc trong các cuộc đàm phán SMA cũng đã dẫn đến một lượng lớn người lao động Hàn Quốc làm việc trong các doanh trại quân đội Mỹ phải nghỉ việc "bất đắc dĩ" do không được trả lương.

Và điều này cũng gây ra lo ngại về khả năng các hoạt động hàng ngày của USFK sẽ bị gián đoạn. Hơn nữa, sự bế tắc cũng làm dấy lên những đồn đoán về về nguy cơ rạn nứt trong quan hệ hợp tác của mối quan hệ đồng minh trên cả các lĩnh vực khác, chẳng hạn như hoạt động ngoại giao thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và thúc đẩy hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Nhu cầu tiền tệ đối với các đồng minh khác của Mỹ, bao gồm cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng gây ra nghi ngờ về độ tin cậy của các cam kết an ninh mà Washington hứa hẹn và làm dấy lên suy đoán rằng Mỹ đang coi các đồng minh của mình chỉ là "nghĩa vụ chiến lược."

Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã có những bước đi nhanh chóng để dập tắt suy đoán đó, đồng thời cam kết không "tống tiền" các đồng minh bằng "những lời đe dọa liều lĩnh rút quân đồn trú" trong phát biểu trước cuộc bầu cử tổng thống.

Cam kết đó đã được chứng minh bằng việc kết thúc đàm phán Hàn-Mỹ về SMA vào ngày 7/3 vừa qua và thỏa thuận chia sẻ chi phí tương tự vào tháng trước giữa Washington và Tokyo, cũng như việc ông Biden luôn lặp đi lặp lại lời cam kết của Mỹ đối với các liên minh.

Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại quan trọng vào tháng trước, Tổng thống Biden cam kết sẽ bắt đầu tái xây dựng lề lối hợp tác và phục hồi sức mạnh của các liên minh dân chủ vốn bị xói mòn 4 năm qua... đồng thời gọi các đồng minh là "tài sản chiến lược lớn nhất của Mỹ."

Mục tiêu đó cũng được lặp lại trong hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời được ban hành gần đây của chính quyền của Tổng thống Biden, trong đó "cam kết định hướng lại và hiện đại hóa các quan hệ đồng minh dân chủ trên thế giới nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vương chung" để đối đầu với những thách thức chung trong hiện tại và tương lai.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng cam kết của Washington về hợp tác liên minh không phải là không có ràng buộc. Mỹ tự hào khi gọi các đồng minh là "tài sản độc nhất", theo đó Washington có thể tìm cách củng cố các đồng minh, như với Hàn Quốc để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc vốn được chính ông Biden coi là "đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, quân sự và công nghệ của mình để thách thức lâu dài đối với một hệ thống quốc tế mở và mang tính ổn định."

Điều này có thể đặt ra một tình huống khó xử về địa chính trị mới đối với Hàn Quốc, vốn muốn vừa giữ mối quan hệ tốt đẹp với đồng minh của mình là Mỹ và đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc.

Ngoài ra, Washington cũng có thể tăng cường áp lực lên các đồng minh châu Á chủ chốt của mình là Hàn Quốc và Nhật Bản để hai nước phải nỗ lực nhiều hơn nhằm giải quyết các vấn đề lịch sử lâu dài (bắt nguồn từ giai đoạn Nhật Bản đô hộ trên bán đảo Triều Tiên) nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh ba bên để đối phó với Trung Quốc.

Mặc dù lịch trình chi tiết chưa được hoàn thiện, song chuyến công du Seoul và Tokyo của hai quan chức hàng đầu (Blinken và Austin) dự kiến sẽ được chuẩn bị rất cẩn thận nhằm nhấn mạnh ý chí của Washington trong việc khôi phục các liên minh khu vực và thúc đẩy hợp tác ba bên với hai đồng minh này.

Giáo sư Nam Chang-hee lưu ý thêm rằng "Chuyến công du đó có thể trở thành một sự kiện mang tính biểu tượng để nhấn mạnh nguyên lý chính trong chính sách của chính quyền Biden đối với các đồng minh ở khu vực Đông Á và xa hơn nữa"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục