Ngày đầu tiên bước chân lên bục giảng, cô Thoa gọi mãi tới rát cổ bỏng họng mà đám học trò vẫn nhởn nhơ chơi ngoài sân, không chịu vào lớp. Khi nước mắt sắp trào ra nơi khóe mắt cô giáo trẻ vì tủi thân thì cô chợt nhớ ra rằng, cô đang nói tiếng Kinh trong khi học sinh của mình là người Dao, làm sao các em hiểu được?
Vừa tự cười mình, cô vừa giơ tay vẫy, ra hiệu cho các em vào lớp, đám học trò mới dừng chơi.
Bất đồng ngôn ngữ, cơ sở vật chất thiếu thốn và phải sống xa gia đình là những khó khăn lớn của giáo viên cắm bản.
Khi cô giáo Tày dạy học sinh Dao
Năm 1999, lần đầu tiên dạy học, cô giáo Mã Thị Thoa nhận công tác ở phân trường Đông Kẹn, xã Vĩnh Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.
Ngày ấy, Thoa mới ra trường, biết bao háo hức, nhiệt huyết cống hiến của tuổi thanh xuân, cô mang lên vùng cao Tây Bắc. Sau 5 tiếng đồng hồ đi ôtô và hơn một tiếng đồng hồ đi bộ cô Thoa mới đến được phân trường.
Vẫn biết ở vùng cao, trường lớp còn nhiều khó khăn, nhưng cô Thoa vẫn không khỏi “sốc” khi ngôi trường mà cô nhìn thấy chỉ là hai căn phòng tranh tre nứa lá, mái lợp bằng cỏ tranh, tường đan bằng tre, một bên là lớp học, một bên là phòng ở của giáo viên.
Cô Thoa tâm sự: “Tuy hơi bất ngờ nhưng thiếu thốn về vật chất lúc ấy không quan trọng vì ở đâu cũng vậy. Khó khăn nhất với tôi là sự bất đồng ngôn ngữ. Tôi là người Tày, một từ tiếng Dao không biết nhưng lại phải một mình dạy toàn học sinh người dân tộc Dao.”
Kỷ niệm đầu tiên của nghề giáo là ngày đầu lên lớp, cô gọi: “Các em ơi, vào lớp nào” mà học trò vẫn thản nhiên vui đùa. Bao niềm hứng khởi của cô giáo trẻ bỗng như bị dội một gáo nước lạnh khi thấy học trò không thèm nghe mình nói. Nhưng đúng khi tủi thân phát khóc, cô chợt giật mình nhớ ra các em không biết tiếng Kinh. Thế là đành phải dùng sự trợ giúp của ngôn ngữ hình thể, vừa gọi thật to để học trò nghe thấy vừa vẫy vẫy ra hiệu vào lớp thì học sinh mới hiểu.
Nhớ lại kỷ niệm ấy, cô Thoa cười nói: “Cũng may là tôi là người dân tộc Tày. Tiếng Tày cũng có một số điểm tương đồng với tiếng Dao nên khi nói chuyện với các em bằng tiếng Tày cô trò dần hiểu nhau hơn. Nếu tôi chỉ biết nói tiếng Kinh thì không biết phải tính thế nào.”
Dần dần, học trò lại thi nhau dạy cô nói tiếng dân tộc Dao. Để rồi, mỗi khi có một học sinh trong lớp vắng, cô lại lặn lội băng rừng vượt suối tới từng nếp nhà, vận động cha mẹ học sinh cho con tới trường bằng chính tiếng Dao mà học trò đã dạy cho mình.
Và những hy sinh lặng thầm
Thiếu nước, thiếu lương thực, trường lớp tạm bợ… nhưng tất cả những cái đó có lẽ không đáng kể với cuộc sống xa gia đình mà những người thầy giáo gieo chữ nơi vùng cao phải chấp nhận.
Anh Bình, chồng cô Thoa vẫn nhớ mãi lần đầu tiên đi thăm vợ tại phân trường Đông Kẹn. Sau cả chặng đường dài trên ôtô, lúc xuống, anh cũng chẳng biết phải đi đường nào để tới trường. May gặp hai người dân đi chợ về, anh cuốc bộ cùng họ gần hai tiếng đồng hồ băng rừng mới đến lán của cô Thoa. “Đến nơi, vừa mệt, tôi lại vừa thấy thương vợ biết bao khi thấy cô ấy sống trong cảnh thiếu thốn đủ bề,” anh Bình chia sẻ.
Mười hai năm dạy học tại các phân trường của cô Thoa là sáu lần chuyển công tác theo quy định luân chuyển của phòng giáo dục. Mỗi lần chuyển là quãng đường về nhà ngắn thêm một chút, cô lại gần hơn với các con.
Nghĩ tới con, cô Thoa chợt chùng giọng, buồn xa xăm. Cô bảo, nhiều lúc cũng thấy mình có lỗi với con, với chồng, khi cô cứ đi khắp các cánh rừng để dạy học trò, còn chính con mình lại không chăm sóc được.
“Bây giờ tôi đã chuyển về phân trường Chợ Nguyên, xã Mai Long, huyện Nguyên Bình, còn cách nhà khoảng 50km. Cuối tuần có thể về với các con, chăm lo việc gia đình, tôi cũng thấy yên tâm hơn,” cô Thoa chia sẻ.
Về gần hơn, nhưng cuộc sống của các cô nơi điểm lẻ Chợ Nguyên ấy cũng không vì thế mà bớt khó khăn. Các cô vẫn phải đi bộ cả tiếng đồng hồ mới ra tới chợ, mua thức ăn khô về cho cả tuần, vẫn thiếu rau cỏ, thiếu nước uống.
Trong hoàn cảnh thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần ấy, cô Thoa bảo đã có lúc cô nghĩ tới việc buông xuôi, hay là bỏ nghề, về với chồng, với con, thực hiện vai trò làm vợ, làm mẹ mà bấy lâu cô xao nhãng. Kiếm một công việc cũng không phải quá khó khăn.
Nhưng lại thấy lấp ló cậu học sinh người Dao tay cầm cặp sách, tay xách mớ rau, quả trứng, ngượng nghịu nói: "Chợ xa quá, cô bận dạy chúng em không đi được. Đây là rau nhà em trồng, cô ăn tạm."
"Chính tình cảm mộc mạc ấy của các em là sợi dây níu kéo, làm chúng tôi thấy yêu nghề hơn, thấy cuộc sống của mình tươi đẹp và ý nghĩa hơn. Và tôi lại nhủ lòng, hãy cố gắng lên, vì các em đang rất cần mình," cô Thoa xúc động nói./.
Hồng Kiều (Vietnam+)