Có thể kiềm chế được virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19?

Theo WHO, cách duy nhất để ngăn chặn virus lây lan là buộc tất cả mọi người trên thế giới tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày, dựa trên khoảng thời gian ủ bệnh.
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 19/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 19/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng Geopoliticalfutures ngày 16/3 đăng bài viết với tựa đề “Có thể kiềm chế được COVID-19?," nội dung như sau:

"Thời đại khác thường thì cần những biện pháp khác thường." Ít nhất hai quốc gia khác nhau là Trung Quốc và Italy đã biến câu châm ngôn này thành phản ứng chính thức của chính phủ trong việc đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19), cách ly hàng triệu người và buộc thực hiện những thay đổi về lối sống một cách khác thường.

Tuy nhiên, những biện pháp này không thể kéo dài mãi. Công chúng sẵn sàng chấp nhận những xáo trộn trong cuộc sống hàng ngày chỉ khi họ tin rằng những xáo trộn hay sự gián đoạn đó sẽ chấm dứt. Nếu họ không còn tin vào điều đó, bất ổn kinh tế-xã hội sẽ bùng phát.

Đó là lý do tại sao câu hỏi “Có cần phải ngăn chặn COVID-19 bằng mọi giá?” lại có liên quan về mặt địa chính trị.

Trước khi trả lời câu hỏi này, cần phải trả lời câu hỏi: Liệu virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) có phải là một loại virus khác thường không và có thể kiềm chế nó vào thời điểm hiện nay không?

SARS-CoV-2 và căn bệnh nó gây ra, được gọi là dịch COVID-19 theo một số nghĩa nào đó đúng là khác thường. Bốn chủng của virus corona nằm trong số 200 nguyên nhân gây ra cảm lạnh thông thường, nhưng không gây chết người. Hai loại virus corona khác là SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông) có tỷ lệ tử vong cao nhưng lại ít người nhiễm hơn.

Vì những lý do này, SARS-CoV-2 là một phiên bản chết người của cảm lạnh thông thường và do đó không giống với các loại virus corona khác mà chúng ta đã từng biết. Hơn nữa, nó không hoạt động giống như các loại virus đường hô hấp thông thường, có thể tấn công trẻ em và người già yếu. Thay vào đó, SARS-CoV-2 có rất ít tác động đến trẻ em (tất nhiên, loại virus này vẫn ảnh hưởng đến trẻ em và từ đó lây lan sang người khác).

Điều kỳ lạ đối với một loại virus đường hô hấp này là nó được phát hiện trong các mẫu phân, cho thấy loại virus này có thể lây lan qua đường ăn uống và đại tiện.

Loại virus khác thường này có thể ngăn chặn được không? Câu trả lời là chưa chắc ngăn chặn được, do các đặc điểm sinh học và dịch tễ của nó.

[Italy vượt Trung Quốc về số người tử vong do COVID-19]

Các nghiên cứu chỉ ra rằng loại virus này dễ lây lan nhất ở giai đoạn đầu ủ bệnh. Điều này có nghĩa là một người nào đó thực sự đã lan truyền nó trước khi xuất hiện các triệu chứng. Một khi cảm thấy không còn đủ sức thì lúc đó đã quá muộn. Tồi tệ hơn, những người bị nhiễm mà không có triệu chứng vẫn có thể lan truyền virus.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 80% các ca nhiễm COVID-19 là nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhấn mạnh khả năng khó ngăn chặn virus này. Cách duy nhất để ngăn chặn virus lây lan là buộc tất cả mọi người trên thế giới tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày, dựa trên khoảng thời gian ủ bệnh.

Có thể kiềm chế được virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19? ảnh 1Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Lombardy, Italy ngày 17/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Có hai cách tiếp cận có thể thực hiện khi đối mặt với một bệnh dịch lây nhiễm đó là ngăn chặn và giảm nhẹ, tức là ngăn chặn virus lây lan và cuối cùng là dập tắt đại dịch. Đây là cách tiếp cận khả thi và có thể thành công đối với những dịch bệnh như Ebola tương đối khó lây truyền và thường các bệnh nhân có những triệu chứng rõ rệt. Giảm nhẹ nghĩa là chấp nhận thực tế không thể ngăn chặn virus và tìm cách hạn chế tối thiểu tác động của nó đối với y tế cộng đồng.

Chiến lược này được sử dụng khi ngăn chặn không thể phát huy hiệu quả. Các biện pháp giảm nhẹ là một thành tố quan trọng. Mục tiêu không nhất thiết phải giảm các ca lây nhiễm, mà là kéo dài thời gian, tức là làm chậm sự lây lan của dịch bệnh để hệ thống chăm sóc sức khỏe không bị quá tải, như tình trạng đã xảy ra ở Vũ Hán.

Cân nhắc các điểm sinh học và dịch tễ học của loại virus này, cùng với thực tế là hơn 150.000 ca nhiễm, chưa kể đến hàng trăm nghìn ca khác chưa được chẩn đoán, việc cho rằng có thể kiềm chế loại virus này hơi mang tính khiên cưỡng.

Việc Mỹ quyết định cấm các chuyến bay từ châu Âu là một chiến thuật ngăn chặn mang lại ít hiệu quả bởi vì loại virus này đã lây lan trong lòng nước Mỹ. Xét tới sự lây lan của virus cũng như những thiệt hại kinh tế cho đến nay và tất cả các yếu tố khác chưa biết về bản chất của loại virus này, việc giảm nhẹ là hành động khả thi nhất, cân bằng nhu cầu kinh tế và sức khỏe cộng đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục