Ngày 11/2, cựu Thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama, người từng đưa ra lời xin lỗi các nạn nhân trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ các nước châu Á khi còn đương nhiệm, đã đến Hàn Quốc và có cuộc gặp với 3 phụ nữ nước này từng bị ép làm nô lệ tình dục cho lính Nhật trong Thế chiến thứ hai.
Ngay sau đến Hàn Quốc, ông Murayama đã thăm Quốc hội Hàn Quốc và tham quan một triển trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của các phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục. Tại đây ông đã gặp gỡ và nói chuyện với 3 phụ nữ Hàn Quốc từng bị ép làm nô lệ tình dục, tuy nhiên, theo hãng tin Yonhap, ông Murayama đã không đưa ra lời bình luận nào khi một trong ba người phụ nữ trên nói với ông rằng Nhật Bản nên đưa ra lời xin lỗi chân thành và bồi thường cho các tội ác trong chiến tranh.
Theo lịch trình, ông Murayama sẽ có bài phát biểu tại Quốc hội Hàn Quốc vào ngày mai 12/2 và chào xã giao Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won ngày 13/2 trước khi trở lại Nhật Bản.
Ông Murayama, năm nay 89 tuổi, có chuyến thăm Hàn Quốc trong ba ngày theo lời mời của Đảng Công lý Hàn Quốc, một đảng đối lập nhỏ tại Hàn Quốc. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Seoul và Tokyo đang trở lên căng thẳng sau chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Theo các nhà sử học Hàn Quốc, có đến 200.000 phụ nữ, chủ yếu là người Hàn Quốc, đã bị ép làm nô lệ tình dục cho binh lính Nhật Bản trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên 1910-1945. Cho đến nay, vấn đề này vẫn là một trong những nguyên nhân chính gây căng thẳng trong quan hệ Nhật – Hàn. Tokyo đã từ chối yêu cầu của Seoul tiến hành đàm phán về việc bồi thường cho những nạn nhân đã già yếu và cho rằng việc bồi thường đã dược giải quyết trong hiệp ước bình thường hóa quan hệ giữa hai nước năm 1965.
Trước đó, khi còn là Thủ tướng Nhật Bản, ông Murayama đưa ra một tuyên bố vào năm 1995 (thường được gọi là “Tuyên bố Murayama”) trong đó thừa nhận và xin lỗi về những đau khổ mà Nhật Bản đã gây ra cho các nước láng giềng, trong đó có Hàn Quốc, trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ các nước này vào đầu thế kỷ 20. Seoul luôn kêu gọi Tokyo tôn trọng “Tuyên bố Murayama” cũng như lời xin lỗi mà cựu Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yohei Kono đưa ra vào năm 1993./.