Đan Mạch "tháo ngòi" căng thẳng tại Copenhagen

Đan Mạch đã "tháo ngòi" căng thẳng của hội nghị chống biến đổi khí hậu, khi bỏ công bố dự thảo thỏa thuận mới do nước này soạn thảo.
Trong một nỗ lực nhằm "tháo ngòi" bầu không khí căng thẳng đang bao trùm Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu tại Copenhagen, Đan Mạch, ngày 17/12, Đan Mạch đã từ bỏ ý định công bố các dự thảo thỏa thuận mới do nước này soạn thảo.

Văn kiện này trước đó đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước đang phát triển vì cho rằng chúng quá ưu ái các nước phát triển.

Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho biết các nhà đàm phán tham dự Hội nghị Copenhagen sẽ chỉ cân nhắc những văn bản do các nhóm làm việc của Liên hợp quốc chuẩn bị, trong đó đề cập những yếu tố có thể đạt được trong một thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư Kyoto.

Sau khi khẳng định sẽ không có văn bản nào thay thế những văn bản của Liên hợp quốc, ông Rasmussen nhấn mạnh hội nghị đang ở giai đoạn quyết định, các nước đã nhất trí cách thức tiếp tục hội nghị, vì vậy tất cả các bên tham gia cần tỏ rõ thiện chí để có thể đạt được thỏa thuận mong muốn.

Sau khi Đan Mạch từ bỏ dự thảo thỏa thuận mới, các đại biểu tham dự hội nghị đã nhất chí với đề xuất của nước này là chia các cuộc đàm phán theo hai hướng. Hướng thứ nhất tập trung vào những cam kết cắt giảm khí thải nhiều hơn nữa vào năm 2020 của các nước phát triển, ngoại trừ Mỹ. Hướng còn lại là xem xét cách thức buộc tất cả các nước phải cùng chia sẻ trách nhiệm ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Nhằm thổi luồng gió mát vào không khí căng thẳng của hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng ngày tuyên bố Mỹ sẵn sàng cùng các nước đóng góp cho quỹ dài hạn trị giá 100 tỷ USD mỗi năm của Liên hợp quốc đến năm 2020 để hỗ trợ các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh tất cả các quỹ chống biến đổi khí hậu của Mỹ đều phụ thuộc vào việc Hội nghị Copenhagen có đạt được thỏa thuận hay không.

Mỹ trước đó cam kết tham gia quỹ "Khởi động nhanh" trị giá 10 tỷ USD/năm giúp các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu trong 3 năm tới. Ngoại trưởng Clinton cũng nhắc lại yêu cầu của Mỹ kiểm chứng các cam kết cắt giảm khí thải của các nước đang phát triển, một lập trường gây bế tắc trong các cuộc đàm phán tại hội nghị Copenhagen.

Tối 16/12, không khí hội nghị nóng lên khi nhiều nước đang phát triển chỉ trích tài liệu do Đan Mạch soạn thảo "không đếm xỉa" đến những đề xuất mà các nhóm làm việc đưa ra trong hai năm chuẩn bị cho hội nghị vừa qua.

Nhóm G-77 (gồm hơn 130 nước đang phát triển và Trung Quốc) cảnh báo không chấp nhận thỏa thuận dự thảo không phải do các nhóm làm việc của Liên hợp quốc đề xuất. Một đại diện đoàn Trung Quốc cho rằng dự thảo thỏa thuận mới của Đan Mạch thể hiện cách làm việc không minh bạch và xem thường nỗ lực chuẩn bị của các nhóm làm việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục