Đê biển ở Kiên Giang bị xâm hại nghiêm trọng

Hệ thống đê biển kéo dài từ Mũi Nai, thị xã Hà Tiên đến rạch Tiểu Dừa, huyện An Minh, dài 180km đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Hệ thống đê biển ở Kiên Giang kéo dài từ Mũi Nai, thị xã Hà Tiên đến rạch Tiểu Dừa, huyện An Minh có tổng chiều dài180km, mặt đê rộng 6m và chiều cao dao động từ 2 - 2,5m hiện đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Tại địa bàn huyện An Biên, trên 17km đê biển, hiện có 57 hộ dân đang bao chiếm đê để ở, trồng hoa màu và chăn nuôi. Tại huyện Hòn Đất, trong khoảng cách chừng hơn 3km có tới 37 hộ dân xâm chiếm đê để cất nhà, đào đặt ống cống lấy nước ra vào, trồng cây, trồng hoa màu, chăn nuôi trâu, bò, gà, vịt.

Khu vực đê bảo vệ cống Thần Nông, ấp Tân Điền, xã Mỹ Lâm, là khu vực vi phạm nghiêm trọng nhất. Tại đây hiện có gần 30 căn nhà cất san sát trên đê như một khu dân cư.

Bà Nguyễn Thị Hoa, ở xã Mong Thọ cho biết, bà cùng 3 người con đến cất nhà đã hơn 6 năm nay, hiện cả gia đình cùng chung sống tại đây. Khi được hỏi có biết cất nhà trên đê biển là vi phạm pháp luật không, bà Hoa vô tư trả lời: “Biết chứ, năm nào cũng có 'mấy ổng' tới lập biên bản, rồi thôi, có thấy ai làm gì đâu, khi nào những người ở đây dời đi thì tôi đi, những người này còn ở thì tôi vẫn tiếp tục ở”!

Hệ thống đê biển ở Kiên Giang được đầu tư xây dựng vào các năm 1999 - 2005 và 2000 - 2008, đi sát mép rừng phòng hộ ven biển và xuyên qua 6 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Đê biển cùng với hệ thống cống trên đê được đầu tư xây dựng đã giải quyết tốt nhiệm vụ thoát lũ, xổ phèn, ngăn mặn, giữ ngọt, phòng chống thiên tai, góp phần khai hoang, cải tạo đất, mở rộng diện tích sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận lớn dân cư nông thôn.

Bên cạnh đó, hệ thống đê biển còn tạo địa bàn bố trí dân cư, xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh…

Tuy nhiên, những năm gần đây do nhiều nguyên nhân nên một số đoạn rừng phòng hộ bị xâm hại, đã làm cho đê biển sạt lở nghiêm trọng như đoạn tiếp giáp với cửa sông Cái Lớn bị sạt lở 400m, năm 2005 phải xử lý bằng rọ đá; đoạn Vàm Rầy - kênh 286 bị sạt lở hơn 600m, đang thi công kè bêtông chống sạt lở và trồng lại rừng phòng hộ bằng nguồn vốn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ. Đoạn kênh T5 - T6 bị sạt lở hơn 400m, nhưng chưa có vốn đầu tư khắc phục.

Qua thực tế vận hành, hệ thống cống hiện tại cũng không kiểm soát hết được nước mặn xâm nhập. Ngoài nguyên nhân khách quan do thiên nhiên, yếu tố con người xâm hại cũng góp phần không nhỏ trong việc làm hư hại hệ thống cống và đê biển./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục