Đề xuất Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam kết nối vào đến ga Hà Nội

Đề xuất Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam kết nối vào đến ga Hà Nội

Quy hoạch mạng lưới sẽ bố trí ga đầu cuối của tuyến Đường sắt Tốc độ cao Bắc-Nam nếu được kết nối vào đến ga Hà Nội thay vì tại Ngọc Hồi sẽ tăng tính hấp dẫn hành khách đi tàu.
Đề xuất Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam kết nối vào đến ga Hà Nội ảnh 1Tuyến đường sắt tốc độ cao của nước Lào. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên danh tư vấn Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển Giao thông Vận tải (CCTDI) vừa hoàn tất báo cáo đầu kỳ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối Thành phố Hà Nội, trong đó có đề xuất đường sắt tốc độ cao vào đến ga Hà Nội.

Theo đó, tư vấn đề xuất ga đầu mối phía Nam là ga Ngọc Hồi, chuyển Depot Thường Tín (nơi lập tàu, tập kết tàu, thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tàu và các tác nghiệp kỹ thuật khác) về khu vực ga Ngọc Hồi. Ga đầu mối phía Đông là ga Lạc Đạo (tỉnh Hưng Yên).

Ngoài ra, ga Hà Nội là ga có chức năng phục vụ hành khách đường sắt đô thị kết hợp với hành khách đường sắt tốc độ cao.

Về vấn đề này, đại diện đơn vị tư vấn cho biết các quy hoạch, dự án liên quan hầu hết đều định hướng tuyến Đường sắt Tốc độ cao Bắc-Nam có kết nối vào trung tâm Thành phố Hà Nội (tại vị trí ga Hà Nội hiện tại). Tuy nhiên, Quy hoạch mạng lưới đường sắt đã định hướng chuyển đổi công năng toàn bộ đoạn tuyến đường sắt quốc gia hướng tâm và xuyên tâm (phía trong đường sắt vành đai) đồng thời xác định ga Ngọc Hồi là ga đầu cuối của tuyến Đường sắt Tốc độ cao Bắc-Nam.

[Bộ GTVT nghiên cứu cả 2 kịch bản làm Đường sắt Tốc độ cao Bắc-Nam]

Tuy nhiên, qua tìm hiểu kinh nghiệm phát triển đường sắt trên thế giới cho thấy, đối với loại hình dịch vụ tàu đường sắt tốc độ cao thường được bố trí tiếp cận sâu trong trung tâm tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Berlin, Tokyo, Paris...

“Do đó, quy hoạch mạng lưới sẽ bố trí ga đầu cuối của tuyến Đường sắt Tốc độ cao Bắc-Nam tại Ngọc Hồi, cách xa trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 10km sẽ làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút hành khách đi tàu, đặc biệt là các khu vực phía Bắc sông Hồng,” đại diện đơn vị tư vấn đánh giá.

Bên cạnh đó, loại hình đường sắt tốc độ cao sử dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng đường riêng, giao cắt lập thể, không xung đột với các loại hình giao thông đô thị nên về cơ bản sẽ không gặp phải các tồn tại, bất cập của hệ thống đường sắt quốc gia hướng tâm hiện nay. Vì thế, phía Tư vấn cho rằng nên kết nối đường sắt tốc độ cao vào đến ga Hà Nội.

Đối với phương án tổ chức khai thác vận tải đường sắt khu đầu mối Hà Nội, tư vấn đề xuất trong giai đoạn đầu, toàn bộ tàu khách hướng tâm sẽ dừng tại các ga đầu mối trên tuyến vành đai, trung chuyển thông qua hệ thống giao thông công cộng của Thành phố Hà Nội (xe buýt, đường sắt đô thị). Riêng tàu khách tốc độ cao tiếp cận vào ga Hà Nội.

Trong giai đoạn sau, các đô thị vệ tinh phát triển đủ lớn, nhu cầu kết nối giữa đô thị vệ tinh và đô thị hạt nhân tăng cao sẽ xem xét tổ chức các đoàn tàu khách ngoại ô chạy hướng tâm để vận chuyển hành khách giữa đô thị hạt nhân và đô thị vệ tinh; hướng đến các đối tượng là người lao động, học sinh, sinh viên có nhu cầu đi lại thường xuyên.

Trước đó, tại cuộc họp với các đơn vị trực thuộc và tư vấn dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam vào tháng Năm vừa qua, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy, Dự án Đường sắt Tốc độ cao Bắc-Nam là dự án có quy mô lớn, công nghệ-kỹ thuật phức tạp, cần nhiều nguồn lực lớn để đầu tư, là động lực quan trọng để tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội cả nước và được Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, kỹ lưỡng.

Vì vậy, Thứ trưởng Huy yêu cầu các đơn vị trên lưu ý tập trung vào hai phương án là làm một tuyến đường sắt mới chỉ chở khách và tuyến đường sắt mới vừa chở khách vừa chở hàng. Trong đó, kịch bản đường sắt mới chỉ chở khách, bổ sung đường sắt hiện hữu cải tạo, nâng cấp, điện khí hóa; kịch bản thứ hai là xây dựng mới đường sắt trên trục Bắc-Nam theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa để vận tải hành khách và hàng hóa làm cơ sở để so sánh, lựa chọn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục