Đề xuất làm việc từ 8h30: Quy định thay đổi sinh hoạt của toàn xã hội

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất thống nhất giờ làm việc của các cơ quan Nhà nước bắt đầu làm việc từ 8 giờ 30 phút và kết thúc là 17 giờ. Liệu quy định này có khả thi hay không?
Đề xuất làm việc từ 8h30: Quy định thay đổi sinh hoạt của toàn xã hội ảnh 1Giờ bắt đầu làm việc tại các cơ quan Nhà nước hiện nay chưa thống nhất. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Thống nhất giờ làm việc của cơ quan Nhà nước là một quy định tác động tới sinh hoạt của toàn bộ xã hội. Do đó, đây sẽ là một quyết định không chỉ quan trọng mà rất khó khăn để nhận được sự đồng thuận của tất cả.

Giờ làm việc khác nhau

Hiện nay, việc quyết định giờ làm việc của cơ quan hành chính do người đứng đầu cơ quan quyết định đúng theo thẩm quyền lãnh đạo, điều hành quy định tại Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Do đó, trên thực tế có sự khác biệt về giờ bắt đầu làm việc, nghỉ trưa giữa các cơ quan, các địa phương.

Các cơ quan trung ương bắt đầu làm việc lúc 8 giờ, trong khi đa số các địa phương bắt đầu từ 7 giờ vào mùa Hè hoặc 7 giờ 30 phút với mùa Đông. Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng có sự khác nhau về giờ bắt đầu làm việc.

[Đề xuất cán bộ công chức viên chức chỉ được nghỉ trưa 1 tiếng]

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, việc chênh lệch giờ làm việc chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương. Do đó, trong dự thảo Bộ Luật Lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất phương án thống nhất giờ làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước.Thời gian làm việc dự kiến là từ 8 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút, nghỉ trưa 60 phút.

Chị Giang, nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội vui mừng khi nghe đến đề xuất lùi giờ làm việc muộn hơn từ 8 giờ xuống 8 giờ 30 phút. Chị chia sẻ: “Tôi có con nhỏ nên nếu đi làm muộn thêm 30 phút thì sẽ thoải mái hơn có thêm thời gian chuẩn bị, đưa con đi học, đẩy thời gian nghỉ trưa ít hơn là hợp lý.”

Tuy nhiên, trên thực tế mỗi cơ quan cung cấp dịch vụ phục vụ người dân khác nhau, do đó mức độ tác động về việc thay đổi giờ làm việc cũng không giống nhau. Thời gian bắt đầu làm việc từ 8 giờ 30 phút sẽ gây xáo trộn lớn với một số cơ quan như trường học, bệnh viện… và sẽ khó nhận được sự đồng tình.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, đề xuất thống nhất giờ làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước không phải là mới. Từ năm 1994, vấn đề này đã được đặt ra khi soạn thảo dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi với mong muốn có sự thống nhất giữa trung ương và địa phương. Tuy nhiên, quy định này khi đi vào thực tế sẽ khó thống nhất do khác biệt về điều kiện kinh tế-xã hội, địa lý giữa các địa phương nên cuối cùng đã không đưa vào Bộ Luật Lao động lúc ấy.

Quy định thay đổi toàn xã hội

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, thống nhất giờ làm việc là vấn đề được đặt ra hơn 10 năm nay trong tổ chức lại hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

“Thực sự nếu tổ chức tốt, điều phối giờ giấc hơp lý thì sẽ tạo sự thông thoáng trong toàn bộ hoạt động của cơ quan Nhà nước,” ông Thang Văn Phúc nhấn mạnh.

Đối với đề xuất giờ làm việc bắt đầu từ 8 giờ 30 phút, ông Thang Văn Phúc cho rằng đây là đề xuất hợp lý. Thậm chí trước đây còn có đề xuất bắt đầu từ 9 giờ để phù hợp với hội nhập quốc tế, các chuyên gia ngước ngoài đến Việt Nam không có sự chênh lệch, có môi trường tốt để làm việc, sinh hoạt.

Tuy nhiên ông Thang Văn Phúc cũng chỉ ra vướng mắc khiến đề xuất này chưa được quy định. “Nút thắt” chính là việc giải quyết giờ đi học của học sinh, sinh viên. Quy định này muốn khả thi thì cần xây dựng, phân tích, bố trí thời gian hợp lý.

Đề xuất làm việc từ 8h30: Quy định thay đổi sinh hoạt của toàn xã hội ảnh 2(Ảnh minh họa: TTXVN)

Ông Thang Văn Phúc kiến nghị cần có 3 khung giờ để giảm tải giờ cao điểm: Các cháu học sinh tiểu học, mẫu giáo đi cùng với bố mẹ 8 giờ vào học, học sinh cấp 2, 3, sinh viên vào học từ 7-7 giờ 30 phút. Cán bộ công chức bắt đầu làm việc từ 8 giờ 30 phút hoặc 9 giờ. Khối sinh hoạt cộng đồng, các trung tâm thương mại quy định 10 giờ mở cửa. Tổ chức như vậy sẽ giãn được mức độ cao điểm về giao thông.

Trong thực tế, để giảm tải áp lực ùn tắc giao thông, thành phố Hà Nội cũng quy định giờ bắt đầu làm việc theo các nhóm đối tượng. Đối với các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các trường trung học phổ thông thì thời gian bắt đầu học buổi sáng từ trước 7 giờ; kết thúc giờ học buổi chiều sau 19 giờ.

Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bố trí giáo viên, cán bộ, công nhân viên để tiếp nhận học sinh từ 7 giờ 30 phút  và quản lý học sinh đến 17 giờ 30 phút. Đối với nhóm các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể của trung ương, thành phố, quận, huyện, phường, xã, thị trấn tại Hà Nội thì thời gian bắt đầu làm việc buổi sáng từ 8 giờ và kết thúc giờ làm việc buổi chiều vào 17 giờ. Đối với nhóm các trung tâm thương mại, dịch vụ... (trừ ngân hàng, tài chính) thì thời gian bắt đầu làm việc buổi sáng từ 9 giờ.

Do giờ làm việc của cơ quan Nhà nước có tác động đến toàn bộ hoạt động của xã hội nên ông Thang Văn Phúc cho rằng cần phân tích tác động của quyết định này với lợi ích kinh tế, xã hội, đời sống sinh hoạt, năng suất lao động… để xem xét điều chỉnh có tạo nên những cơ hội tốt nhất cho người dân hay không? Và, việc tính hiệu quả của toàn bộ hoạt động xã hội là trách nhiệm của Nhà nước./.

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói về đề xuất thống nhất giờ làm việc:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục