Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới vẫn tăng dù dịch

Theo Bộ Xây dựng, nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao.
Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới vẫn tăng dù dịch ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới trong 3 quý của năm 2021 tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là một trong những nội dung được Bộ Xây dựng công bố ngày 5/11 trong bản thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý 3/2021.

Thông tin của Bộ Xây dựng cho thấy trong 3 quý vừa qua, số lượng tạm dừng kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng là 6.171 doanh nghiệp chiếm 13,7%. Số lượng doanh nghiệp xây dựng chờ giải thể là 4.091 đơn vị, chiếm 12,6%.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trải qua 4 làn sóng dịch COVID-19, đặc biệt là làn sóng thứ 4 bùng phát mạnh từ mấy tháng nay khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp bất động sản vẫn có lãi lớn và chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Còn các công ty địa ốc chưa lên sàn hầu như khó có được kết quả kinh doanh tích cực - Bộ Xây dựng nhận xét.

Thời gian qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn có điều kiện thuận lợi trong việc huy động và điều phối dòng vốn, từ đó có điều kiện hoạch định, phân bổ lợi nhuận tốt hơn. Những tháng cuối năm 2021, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã đẩy mạnh kế hoạch, hoạt động đầu tư kinh doanh.

Trên thị trường, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản cũng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, có tới 28% đơn vị có nguy cơ giải thể, phá sản; 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao.

[Bất động sản công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn thu hút nhà đầu tư]

Hiện tại, đã có tới hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, quỹ lương ngày một cạn kiệt, buộc phải cắt giảm nhân sự hoặc cho tạm nghỉ việc không lương.

Mặc dù các sàn giao dịch đã chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bán hàng nhưng với tình hình dịch bệnh trong quý 3 thì vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, các sàn giao dịch có quy mô vừa và nhỏ, có nguồn lực tài chính thấp, sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng thì khó khăn càng chồng chất thêm.

Đánh giá chung về tình hình thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định, ảnh hưởng COVID-19 lần thứ 4 ở Việt Nam rất nghiêm trọng. Tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, gây đình trệ, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề; trong đó, ngành bất động sản không phải là một ngoại lệ.

Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới vẫn tăng dù dịch ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Hầu hết các dự án phát triển bất động sản trên cả nước, đều phải dừng xây dựng, thi công vì lệnh giãn cách và đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư không thể triển khai vì chính quyền các tỉnh, thành cũng phải tập trung chống dịch. Điều này khiến nguồn cung trên thị trường vốn dĩ đã thiếu hụt không có cơ hội để cải thiện.

Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch mua-bán bất động sản trên thị trường cũng bị ảnh hưởng vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận … trong khi bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch.

Tuy nhiên, bởi lực cầu vẫn duy trì mạnh và sự nỗ lực tìm kiếm giải pháp bán hàng trong tình hình mới của các chủ đầu tư nên số lượng giao dịch vẫn tương đối tốt.

Từ đầu tháng 10/2021, nhiều thành phố lớn và nhiều địa phương trên cả nước hoàn thành cơ bản tiêm vaccine cho đối tượng từ 18 tuổi, cùng với việc sàng lọc cách ly người lây nhiễm COVID-19, tạo ra nhiều khu vùng xanh an toàn. Các địa phương gỡ dần biện pháp hạn chế chống dịch đồng thời kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới.

Mặc dù vậy, Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường bất động sản từ nay đến hết năm 2021 sẽ không có chuyển biến mang tính đột phá, vì nền kinh tế phía Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh.

Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… đều tăng.

Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng. Do đó, dòng vốn sẽ có xu hướng rót về bất động sản và đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; nghiên cứu, trình ban hành và triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, ổn định và cân đối cung cầu nhà ở góp phần ổn định thị trường bất động sản.

Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất bố trí gói tín dụng để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo phương thức cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách và các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật nhà ở hiện hành, pháp luật về đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Cùng đó, diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản cần được theo dõi sát sao nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường bất động sản luôn phát triển ổn định, lành mạnh, góp phần vào ổn định chung cho cả nền kinh tế.

Các vướng mắc, hoàn thiện pháp luật về đầu tư đặc biệt là các cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản... cũng cần được rà soát, tháo gỡ.

Đối với các địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị khẩn trương lập, phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm 2021-2025 cũng như kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở, làm cơ sở để chấp thuận chủ trương, triển khai phát triển nhà ở trên địa bàn.

Thời gian tới, cần rà soát, rút ngắn thời gian xem xét, sớm phê duyệt, cấp mới, điều chỉnh các dự án nhà ở, dự án bất động sản đã đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Việc tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân khu công nghiệp, nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp trung bình, điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở, bất động sản cho phù hợp nhu cầu của thị trường cũng cần được chú trọng.

Bên cạnh đó, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ để bảo đảm chỗ ở an toàn cho người dân và góp phần xây dựng đô thị văn minh hiện đại cũng cần được đẩy mạnh.

Ngoài việc công khai thông tin về thị trường bất động sản, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đầu tư phát triển hạ tầng, các địa phương cần sớm công bố chủ trương sát nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương để minh bạch thông tin.

Các dự án bất động sản đã được phê duyệt, chủ đầu tư dự án đủ điều kiện huy động vốn theo quy định cũng cần được thông báo rộng rãi, công khai nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn hiện tượng lừa đảo, đầu cơ thổi giá bất động sản để thu lợi bất chính - Bộ Xây dựng yêu cầu.

Để tránh tình trạng thắc mắc, khiếu kiện kéo dài, các địa phương cần chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho người dân trong các dự án nhà ở, khu đô thị mới đã đủ điều kiện. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục