Doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại về nỗ lực tăng thu thuế ở Đông Nam Á

Xu hướng này gây lo ngại cho các công ty đa quốc gia hoạt động ở khu vực Đông Nam Á nhưng không có đủ nhân viên bản địa để giải quyết các vấn đề về thuế.
Doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại về nỗ lực tăng thu thuế ở Đông Nam Á ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo tờ Nikkei Asia, một làn sóng tăng thu thuế doanh nghiệp đang lan rộng khắp Đông Nam Á khi các chính phủ chạy đua để bịt lỗ hổng ngân sách do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Xu hướng này gây lo ngại cho các công ty đa quốc gia hoạt động ở khu vực nhưng không có đủ nhân viên bản địa để giải quyết các vấn đề về thuế.

Khoảng đầu năm 2021, nhiều công ty Nhật Bản hoạt động tại Malaysia và Thái Lan bắt đầu nhận được yêu cầu từ cơ quan thuế ở đây đề nghị cung cấp các tài liệu liên quan đến các giao dịch của họ trong vài năm qua.

Các văn phòng của công ty kiểm toán Deloitte ở Đông Nam Á ghi nhận số lượng đề nghị tư vấn của các công ty Nhật Bản nhiều gấp gần 3 lần so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát ở khu vực này.

[57% doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động]

Ông Jun Igarashi, lãnh đạo bộ phận chuyển giá khu vực Đông Nam Á tại Deloitte Singapore, cho biết các quốc gia trong khu vực đang tăng cường thanh tra hoạt động chuyển giá, tập trung vào các giao dịch được thực hiện giữa trụ sở chính và các công ty con của các công ty Nhật Bản ở Đông Nam Á.

Chẳng hạn, khi một công ty con ở Đông Nam Á bán một mặt hàng cụ thể cho công ty mẹ ở Nhật Bản với mức giá thấp hơn đáng kể so với giá bán cho các công ty bên ngoài, họ có thể bị truy thu tiền thuế nếu cơ quan thuế địa phương cho rằng sự khác biệt về giá này là một phương thức để chuyển lợi nhuận.

Trong các năm 2020 và 2021, Việt Nam và Malaysia đã sửa đổi các quy định về chuyển giá để tăng cường thu thuế đối với các giao dịch này.

Hai nước đã bắt đầu yêu cầu các doanh nghiệp phải nộp chứng từ chuyển giá trong thời gian ngắn hơn theo yêu cầu của cơ quan thuế.

Một nhân tố đằng sau những động thái này là tỷ lệ thuế doanh nghiệp trên tổng nguồn thu từ thuế của các quốc gia Đông Nam Á tương đối cao.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỷ trọng thuế doanh nghiệp trong tổng nguồn thu từ thuế của các nước thành viên OECD trong tài khóa 2018 là 10%. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở Malaysia và Indonesia lần lượt là gần 50% và hơn 30%.

Theo một chuyên gia thuế, các động thái liên quan đến việc đánh thuế chuyển giá ở các quốc gia Đông Nam Á cho thấy các chính phủ này đang tìm cách thu thêm thuế từ các doanh nghiệp để tài trợ cho việc tăng chi tiêu nhằm đối phó với đại dịch.

Tuy nhiên, các hoạt động chuyển giá không phải là mục tiêu duy nhất của nỗ lực truy thu thuế ở Đông Nam Á. Các công ty Nhật Bản tại Thái Lan đang chuẩn bị cho việc cơ quan thuế nước này tăng cường giám sát việc thanh toán thuế tem.

Vào năm 2019, Chính phủ Thái Lan đã mở rộng thuế tem đối với các tài liệu điện tử như hợp đồng ở dạng kỹ thuật số.

Ông Nobuyuki Ishii, Giám đốc Điều hành của Phòng Thương mại Nhật Bản ở Bangkok, cho biết: “Cơ quan thuế đang đối phó với sự sụt giảm về nguồn thu từ thuế do đại dịch bằng cách cố gắng tăng nhiều loại thuế khác nhau, bao gồm cả biên lai thuế chuyển giá.”

Các công ty không thoải mái về viễn cảnh thuế tem được sử dụng như một công cụ để tăng nguồn thu từ thuế.

Đối với các công ty Nhật Bản đang hoạt động ở Đông Nam Á, các chuyên gia cho rằng các công ty con của họ ở khu vực này chưa chuẩn bị tốt để xử lý các vấn đề về thuế.

Việc đánh thuế chuyển giá có thể gây ra rủi ro tài chính đáng kể cho bất kỳ công ty quốc tế nào.

Tùy thuộc vào cách cơ quan thuế xem xét vấn đề chuyển giá, các công ty liên quan có thể sẽ phải đối mặt với gánh nặng thuế bổ sung lớn.

Ông Igarashi nói: “Điều quan trọng là các công ty phải chuẩn bị trước các tài liệu và câu trả lời cho các câu hỏi có thể có để thuyết phục cơ quan thuế về sự phù hợp của giá bán.” Họ cần đào tạo các chuyên gia thuế có kinh nghiệm về hệ thống thuế ở Đông Nam Á.

Một số công ty Nhật Bản hoạt động trong khu vực đang thực hiện các bước để chuẩn bị cho các cuộc điều tra thuế có thể xảy ra, chẳng hạn như biên soạn hướng dẫn nội bộ để đối phó với các cuộc điều tra của các cơ quan thuế.

Một công ty Nhật Bản ở Indonesia gần đây đã phải đối mặt với một cuộc điều tra thuế liên quan đến vấn đề chuyển giá. Các quan chức thuế Indonesia nói với công ty này rằng phí quản lý trả cho công ty mẹ ở Nhật Bản không được coi là tiền công.

Tuy nhiên, công ty này đã phản đối bằng cách sử dụng các tài liệu đã được chuẩn bị để tính toán các giao dịch này và đã thành công trong việc giải thích cho cơ quan thuế.

Ông Nobuhiro Tsunoda, Chủ tịch công ty kiểm toán EY Japan, cho biết các công ty con ở nước ngoài của các công ty Nhật Bản cần chuẩn bị tốt hơn để đối phó với bất kỳ cuộc điều tra thuế nào của cơ quan thuế nước ngoài liên quan đến việc chuyển giá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục