Với triết lý giáo dục lấy việc hình thành năng lực người học làm trung tâm, làm mục tiêu đào tạo thay cho truyền thụ kiến thức, Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo các chuyên gia nói riêng và người dân nói chung. Có triết lý giáo dục mới, có chương trình mới, sách giáo khoa mới nhưng để thực hiện thành công đề án này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận xác định giáo viên là yếu tố then chốt, có tính quyết định và đổi mới giáo viên cũng là khâu đầu tiên để bắt đầu. Đây cũng là vấn đề các chuyên gia băn khoăn nhất. Giáo viên phải đi trước một bước Theo Bộ trưởng Luận, phương thức giáo dục mới tới đây sẽ thay đổi căn bản, thầy giáo không chỉ là người truyền thụ kiến thức, mà nhiệm vụ chính sẽ là tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học, tự khai thác kiến thức, vận dụng kiến thức để hình thành năng lực và phẩm chất của mình. Giáo viên là “cỗ máy cái” và vì thế, phải đổi mới giáo viên mới có thể đổi mới phương pháp dạy và học. Đồng quan điểm này, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng với bất kỳ một nền giáo dục nào, muốn đào tạo thế hệ trẻ có năng lực như mong muốn thì phải đào tạo giáo viên. “Tôi hy vọng việc đổi mới giáo viên sẽ đi trước một bước để phù hợp với đổi mới chương trình. Các lần trước chúng ta có đổi mới chương trình nhưng chưa đổi mới giáo viên phù hợp nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, để đổi mới được đào tạo giáo viên là rất khó khăn. Tôi rất lo lắng và chia sẻ ý kiến của Bộ trưởng,” ông Thuyết nói. [Giáo dục Việt Nam trước đề án được kỳ vọng nhất] Đây cũng là lo lắng của ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định. “Phải ‘có bột mới gột nên hồ’, có thầy giỏi mới có trò giỏi, không có thầy giỏi thì chất lượng giáo dục không thể chuyển biến,” ông Tuấn nhận định. Để nâng chất lượng người thầy, ông Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên của tất cả các cơ sở giáo dục. “Họ là lực lượng nòng cốt để thực hiện đổi mới giáo dục,” ông Sơn nhấn mạnh. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết, sẽ có đổi mới hệ thống sư phạm từ công tác đào tạo. Theo đó, Bộ sẽ sắp xếp lại mạng lưới đào tạo sư phạm. Các giáo viên đang dạy cũng sẽ được rà soát toàn bộ để có thể tổ chức bồi dưỡng. Những giáo viên không đủ năng lực đứng lớp sẽ xem xét chuyển công tác khác. “Đây là công việc rất bộn bề, vì hiện nay tỉnh nào cũng có trường sư phạm, dẫn đến chất lượng kém, thừa giáo viên. Tới đây sẽ sắp xếp lại, có thể có những trường sư phạm khu vực để thực sự trở thành những ‘máy cái',” Thứ trưởng Hiển nói.
Ảnh minh họa. (Minh Quyết/TTXVN)
Chờ cơ chế đặc thù Việc đào tạo giáo viên, đặc biệt là bồi dưỡng các giáo viên đang đứng lớp để họ kịp bắt nhịp với sự thay đổi căn bản, toàn diện giáo dục, theo giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ có nhiều khó khăn do lượng giáo viên khá lớn. Tuy nhiên, giáo sư Đinh Quang Báo lại tỏ ra tin tưởng: “Tôi nghĩ đội ngũ giáo viên sẽ làm được vì họ được đào tạo bài bản. Vấn đề là phải có cơ chế để tạo động lực cho họ phấn đấu và quyết tâm làm, học hỏi, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng.” [Dạy tích hợp, chương trình mới tăng hay giảm tải?] Cùng chia sẻ vấn đề này, giáo sư Hoàng Tụy cho rằng, chính sách với nhà giáo là yếu tố then chốt để đảm bảo chất lượng giáo dục. Lương người thầy thấp nên họ phải làm thêm nghề phụ để đảm bảo cuộc sống. Và nghề phụ thuận nhất là sử dụng kiến thức chuyên môn của chính mình, dẫn đến ép học sinh học thêm trái quy định. Vẫn theo giáo sư Hoàng Tụy, thu nhập thấp, người thầy cũng sẽ thiếu tâm huyết với nghề. Mải lo kiếm sống, giáo viên ít có thời gian để tự bồi dưỡng và vì thế, chất lượng đào tạo đương nhiên bị ảnh hưởng. Từ góc nhìn thực tế, nói về thu nhập của mình, cô Hà Thị Hợi, giáo viên trường Trung học cơ sở Nam Cao (Kiến Xương, Thái Bình) cho biết, cô vào nghề đã gần 9 năm; trong đó hơn 7 năm biên chế, nhưng tổng thu nhập gồm cả lương, phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp… mới được hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. “May mà tôi dạy trường làng, ở nông thôn, ngoài giờ dạy vẫn phải lao động quần quật như bất cứ người nông dân nào, cấy lúa ngoài đồng lấy gạo ăn, rau trồng ngoài vườn, lợn gà tự nuôi nên đỡ đi phần nào sự thiếu thốn của đồng lương eo hẹp. Giáo viên thành phố cũng chỉ có ngần ấy tiền trong khi chi phí đắt đỏ, họ không dạy thêm thì sống bằng gì?” cô Hợi buồn bã nói. [Những khác biệt của sách giáo khoa sau năm 2015] Chia sẻ trước những khó khăn của giáo viên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, chúng ta đã có cú hích đầu vào đối với tuyển sinh sư phạm khi miễn học phí và từ đó đã tạo ra đột phá khi chất lượng đầu vào của ngành được cải thiện, có thời điểm thí sinh phải đạt 27 điểm mới đỗ vào sư phạm. “Tuy nhiên, hiện nay cú hích đó không còn tác dụng, học sinh giỏi không chọn làm thầy. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo mạnh dạn đề xuất cú hích đầu ra, đó là xếp lương sư phạm ở bậc cao nhất,” ông Hiển nói. Hiện Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng đã quyết định ra Nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Thứ trưởng Hiển cho biết: “Tôi rất hy vọng đời sống giáo viên sẽ có thay đổi để họ có thể toàn tâm toàn ý với nghề.”./.
Phạm Mai (Vietnam+)