Đối ngoại Biên phòng là điểm sáng trong Đối ngoại Quốc phòng

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến khẳng định năm 2023, Đối ngoại Biên phòng tiếp tục được khẳng định là một điểm sáng trong đối ngoại quốc phòng với nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả.
Đối ngoại Biên phòng là điểm sáng trong Đối ngoại Quốc phòng ảnh 1Thiếu tương Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Việt Nam. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Được coi là biện pháp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, công tác đối ngoại Quốc phòng nói chung, đối ngoại Biên phòng nói riêng đã góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia-dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Việt Nam về nội dung này.

- Công tác Đối ngoại Biên phòng có vị trí, vai trò như thế nào trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến: Nói về công tác đối ngoại Biên phòng, đây là một bộ phận của Đối ngoại quốc phòng, là kênh đối ngoại quan trọng để Bộ đội Biên phòng trao đổi thông tin, tình hình, đặc biệt là giải quyết các vụ việc về biên giới quốc gia với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng. Thông qua đối ngoại biên phòng đã giúp ta hiểu bạn, bạn hiểu ta để hai bên cùng chung tay quản lý, bảo vệ đường biên giới chung giữa hai nước.

Đối ngoại Biên phòng góp phần vun đắp, củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển hai bên biên giới. Đối ngoại Biên phòng cũng góp phần quan trọng vào kết quả đối ngoại của Nhà nước, các ngành, các lực lượng ở biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

- Theo Thiếu tướng, những kết quả nổi bật của công tác Đối ngoại Biên phòng của lực lượng trong những năm qua là gì?

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến: Đối ngoại Biên phòng có rất nhiều đóng góp vào kết quả chung của đối ngoại quốc phòng và tùy từng giai đoạn và từng điều kiện lịch sử. Đối ngoại biên phòng rất linh hoạt, đạt được rất nhiều kết quả. Đối ngoại Biên phòng đã từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý.

Đối ngoại Biên phòng là điểm sáng trong Đối ngoại Quốc phòng ảnh 2Đồn Biên phòng Mường Nhé, Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên (Việt Nam) và Đại đội 117, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phong Sa Lỳ (Lào) tuần tra cột mốc 21. (Ảnh: TTXVN phát)

Bộ đội Biên phòng đã ký gần 60 văn bản hợp tác về biên phòng với lực lượng bảo vệ biên giới các nước chung đường biên giới về quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm, kiểm soát biên giới, cửa khẩu, cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch trong hơn hai năm qua.

Bộ đội Biên phòng đã trực tiếp, phối hợp với các ngành, các lực lượng. Thông qua đối ngoại Biên phòng đã giải quyết hài hòa, hợp lý, đúng chủ trương, đối sách, pháp luật các vụ việc về biên giới, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc và tạo sự ổn định trên biên giới.

Cũng qua Đối ngoại Biên phòng, chúng ta đã tăng cường các cuộc giao lưu hữu nghị biên giới ở các quy mô, hình thức khác nhau từ Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đến tận các đồn, trạm Biên phòng. Cho đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã tổ chức 18 cuộc giao lưu hữu nghị biên giới, tạo sự lan tỏa tốt trong quan hệ hai nước, chính quyền, nhân dân biên giới.

Hằng năm, chúng ta đã tổ chức các cuộc diễn tập phòng, chống tội phạm, di cư tự do, xuất nhập cảnh trái phép, nhằm nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng hai bên biên giới.

Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã tăng cường tổ chức kết nghĩa và đến nay đã có gần 200 cặp đồn-trạm Biên phòng với các đơn vị bảo vệ biên giới nước bạn và có trên 200 cụm bản hai bên biên giới đã được kết nghĩa với nhau. Biên phòng Việt Nam đã hỗ trợ, đỡ đầu gần 200 cháu học sinh người Lào, Campuchia có hoàn cảnh khó khăn theo Chương trình “Nâng bước em đến trường.”

Trong hơn hai năm phòng, chống dịch COVID-19, Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã sát cánh cùng với lực lượng bảo vệ biên giới các nước làm tốt công tác phòng, chống dịch gắn với phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới rất hiệu quả. Chúng ta đã giúp đỡ các bạn về các trang bị, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19 một cách thiết thực, hiệu quả, tăng cường thêm mối quan hệ gắn bó giữa Biên phòng Việt Nam với các lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn.

Đặc biệt năm 2022 là “Năm hữu nghị Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia,” Bộ đội Biên phòng đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa sâu rộng, có sức lan tỏa cao, thiết thực với nhân dân, chính quyền, lực lượng bảo vệ biên giới của Lào, Campuchia như giao lưu sỹ quan Biên phòng trẻ, xây dựng các công trình dân sinh cho nhân dân hai nước bạn.

Đối ngoại Biên phòng là điểm sáng trong Đối ngoại Quốc phòng ảnh 3Đồn Biên phòng Sen Thượng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, Việt Nam) và Đại đội quản lý biên giới Giang Thành (Chi đội quản lý biên giới Phổ Nhĩ, Trung Quốc) tuần tra song phương. (Ảnh: TTXVN phát)

Các kết quả đó đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của Đối ngoại Biên phòng trong Đối ngoại Quốc phòng, là nhân tố quan trọng trong ổn định tình hình biên giới, chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia; quan hệ chính quyền, nhân dân lực lượng bảo vệ biên giới hai bên biên giới luôn được củng cố, phát triển tạo sự ổn định cho phát triển kinh tế, xã hội trên các tuyến biên giới.

- Vậy thưa Thiếu tướng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã đổi mới nội dung, phương thức Đối ngoại Biên phòng trong tình hình mới như thế nào?

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến: Hiện nay, công tác Đối ngoại Biên phòng tiếp tục được khẳng định là biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới của Bộ đội Biên phòng trong Luật Biên phòng Việt Nam.

Hiện nay, tình hình trên các tuyến biên giới có những thay đổi nhất định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới; nhu cầu giao lưu, qua lại biên giới cửa khẩu là rất lớn; biên giới, cửa khẩu cũng là nơi tạo ra động lực phát triển cho vùng biên giới và đất nước. Do đó, công tác Đối ngoại Biên phòng cần đổi mới về nội dung, phương thức đáp ứng yêu cầu hội nhập của nước ta với các nước láng giềng.

Công tác tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thiết thực và hiệu quả, giải quyết được các vấn đề về quản lý, bảo vệ biên giới một cách ổn định, phù hợp với chính sách, quan điểm đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Chúng ta cần đa dạng hóa các hoạt động Đối ngoại Biên phòng ở các mức độ, cấp độ khác nhau, từ Bộ Tư lệnh đến các đồn, trạm Biên phòng trên các tuyến biên giới và phải sát, phù hợp tình hình thực tế ở các đơn vị và tuyến biên giới. Đồng thời, phát huy được sức mạnh, nguồn lực trong công tác Đối ngoại, kết hợp nhuần nhuyễn với ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành trên biên giới.

Tiếp tục mở rộng quan hệ Biên phòng với các nước khác như Nga, Ấn Độ... và một số nước khác để tăng cường hợp tác quốc tế về Biên phòng trong đào tạo, huấn luyện, trang bị... nhằm tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ biên giới của lực lượng Biên phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Năm 2023, Bộ đội Biên phòng sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động đối ngoại trọng điểm trên các tuyến biên giới. Trọng tâm là Giao lưu Hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 8; Giao lưu Hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia lần thứ 2; Giao lưu Biên cương thắm tình hữu nghị với lực lượng bảo vệ biên giới các nước tiểu vùng Mekong lần thứ 4; Giao lưu công tác đảng, công tác chính trị với Cục Di dân quốc gia Trung Quốc. Cùng với đó, nhiều hoạt động đối ngoại biên phòng khác sẽ được tổ chức ở các đơn vị Bộ đội Biên phòng.

Cần khẳng định rằng năm 2023, Đối ngoại Biên phòng tiếp tục được khẳng định là một điểm sáng trong đối ngoại quốc phòng với nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả. Qua các hoạt động này, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của đối ngoại biên phòng trong quản lý, bảo vệ biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

- Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục