Đức tranh cãi về việc bỏ quy định đeo khẩu trang tại trường học

Những người ủng hộ các biện pháp an toàn hơn trong trường học cho rằng trẻ em cũng có thể bị biến chứng nặng, thậm chí dẫn đến hậu quả lâu dài được gọi là hiện tượng "COVID kéo dài" (Long COVID).
Đức tranh cãi về việc bỏ quy định đeo khẩu trang tại trường học ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nguy cơ mắc COVID-19 đối với trẻ em và vị thành niên đang trở thành chủ đề tranh cãi tại Đức, giữa một bên phản đối việc bãi bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc khi đến trường và một bên ủng hộ kế hoạch này. 

Theo một số chuyên gia, Đức vẫn đang trong "tâm điểm" của đại dịch COVID-19 và rằng mùa Thu và Đông có thể sẽ là thời điểm chứng kiến sự gia tăng của dịch bệnh. Quyết định trên có thể khiến trẻ em gặp rủi ro cũng như có thể làm gia tăng sự bùng phát trở lại của virus SARS-CoV-2.

Những người ủng hộ các biện pháp an toàn hơn trong trường học cho rằng trẻ em cũng có thể bị biến chứng nặng, thậm chí dẫn đến hậu quả lâu dài được gọi là hiện tượng "COVID kéo dài" (Long COVID).

Phóng viên TTXVN tại Đức cho biết ngày 4/10, tại Berlin, một bản kiến nghị phản đối việc chấm dứt đeo khẩu trang tại các trường tiểu học ở thủ đô đã thu thập gần 1.900 chữ ký. Phát biểu với hãng tin DPA, Julia Noack, người khởi xướng bản kiến nghị trên khẳng định: "Khẩu trang chỉ là một sự khó chịu quá nhỏ so với tác hại mà dịch bệnh có thể gây ra."

Bởi vì ở trường, trẻ em dưới 12 tuổi không được bảo vệ bằng bất cứ phương tiện gì. Theo Noack, học sinh khó có thể giữ khoảng cách với nhau, thậm chí hàng chục em ngồi học trong cùng một phòng nhiều giờ với nhau.

Nhà nghiên cứu dịch tễ Melanie Brinkmann thuộc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ Helmholtz ở Braunschweig cho rằng còn quá sớm để bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc trong trường học do hiện nay tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 chưa đủ để có thể đạt miễn dịch.

Phát biểu với tờ Rheinische Post, bà Brinkmann cho rằng khi xem xét quyết định trên liệu có đúng hay không căn cứ vào số người chưa tiêm chủng, trong đó có một số lượng lớn trẻ em, việc bỏ quy định đeo khẩu trang là quá sớm.

Trong khi đó, Hiệp hội Giáo viên Đức tỏ ra hoài nghi về động thái này. Công đoàn giáo dục VBE cũng kêu gọi thận trọng khi bỏ quy định đeo khẩu trang.

Theo số liệu thống kê từ Viện Robert Koch (RKI), có không ít số ca mắc COVID-19 tại Đức là trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi.

Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến ủng hộ việc bỏ quy định đeo khẩu trang ở trường học, cho rằng đã đến lúc trẻ em không cần phải thực hiện những quy định quá khắt khe như khẩu trang vì những đối tượng này ít có nguy cơ bị bệnh nặng do COVID-19.

[Viên nghiên cứu Đức cảnh báo dịch bệnh có thể sớm bùng phát trở lại]

Chủ tịch Hiệp hội Bác sỹ Nhi khoa và Thanh thiếu niên, Thomas Fischbach cho biết ông thấy việc học sinh tiểu học phải tiếp tục đeo khẩu trang trong lớp là không cần thiết, đặc biệt khi số ca nhiễm ở đối tượng này ít hơn so với nhóm tuổi vị thành niên hoặc người trưởng thành. Ông cho rằng quyết định phải dựa trên tỷ lệ mắc bệnh và độ tuổi của trẻ em. 

Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Đức Klaus Reinhardt cũng có quan điểm tương tự. Phát biểu với tờ Redaktionsnetzwerk Deutschland, ông Klaus nói: "Hoàn toàn không hợp lý khi trẻ em và thanh thiếu niên phải đeo khẩu trang hàng giờ trong lớp, trong khi người lớn có thể đến quán rượu vào buổi tối mà không cần khẩu trang."

Ba bang của Đức gồm Berlin, Brandenburg và Bayen thông báo kể từ ngày 4/10, quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại trường học được dỡ bỏ. Bang Saarland cũng quyết định bỏ áp dụng quy định trên từ ngày 8/10. Trong khi bang Baden-Württemberg và Sachsen đang xem xét có bước đi tương tự. 

Theo số liệu thống kê đến hết ngày 4/10, Đức ghi nhận 3.088 ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ và 7 ca tử vong. Tỷ lệ mắc mới trong 7 ngày là 64,7ca/100.000 người, tăng so với ,mức khoảng 61 của một tuần trước đó.

Mặc dù gần 2/3 dân số và 3/4 người trưởng thành hiện đã được tiêm phòng đầy đủ, các chuyên gia y tế Đức cảnh báo số lượng lớn người chưa tiêm chủng và việc tham gia các hoạt động trong nhà có khả năng làm dịch bệnh bùng phát trở lại, đặc biệt khi mùa Đông sắp đến, thời tiết trở nên ẩm ướt và lạnh hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục