EU yêu cầu các hãng hàng không và khách sạn phát hành voucher

Việc phát hành phiếu du lịch ưu đãi (voucher) để đền bù cho những chuyến đi đã bị hủy, thay vì hoàn trả bằng tiền mặt trong bối cảnh COVID-19 len lỏi vào từng ngõ ngách của các nền kinh tế châu Âu.
EU yêu cầu các hãng hàng không và khách sạn phát hành voucher ảnh 1Một bãi biển vắng khách du lịch do dịch COVID-19 tại Calvia, Tây Ban Nha ngày 12/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang len lỏi vào từng ngõ ngách của các nền kinh tế châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) đang lên kế hoạch yêu cầu các quốc gia thành viên cho phép các hãng hàng không và khách sạn phát hành phiếu du lịch ưu đãi (voucher) để đền bù cho những chuyến đi đã bị hủy, thay vì hoàn trả bằng tiền mặt.

Ngoài ra, liên minh cũng được khuyến khích từng bước gỡ bỏ hạn chế biên giới nội bộ để cứu vãn mùa du lịch Hè 2020 đang tới rất gần.

Lĩnh vực du lịch đóng góp đến gần 1/10 sản lượng kinh tế của EU và là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19.

[Lượng du khách quốc tế có thể sẽ giảm tới 80% trong năm 2020]

Trong bối cảnh đó, Đức và các quốc gia thành viên khác đã kêu gọi EU tạm đình chỉ những quy tắc nhằm buộc các hãng hàng không và khách sạn, vốn đang gặp nhiều khó khăn về thanh khoản, phải hoàn trả bằng tiền mặt khoản chi phí bay hoặc chuyến đi đã bị hủy.

Thay vào đó, trong cuộc họp vào ngày 13/5 tới, Ủy ban châu Âu sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên chấp nhận hình thức hoàn trả bằng voucher dành cho khách hàng.

Hãng tin Reuters trích đoạn bản dự thảo mang tên “Châu Âu cần một khoảng nghỉ,” dự kiến được công bố trong cuộc họp EC sắp tới, cho rằng: “Để khuyến khích các hành khách và khách du lịch chấp nhận voucher thay vì hoàn trả tiền mặt, những voucher này cần phải được đảm bảo về khả năng thanh toán của đơn vị phát hành (hãng hàng không hoặc khách sạn…), đồng thời giá trị voucher vẫn phải được hoàn trả sau khi phiếu hết hiệu lực mà chưa được sử dụng."

Giải thích kỹ hơn, tài liệu viết thêm: “Yêu cầu đảm bảo khả năng thanh toán cần được thực hiện ở cấp quốc gia, đồng thời phải đảm bảo rằng tất cả các hành khách và khách du lịch đều có quyền tiếp cận với voucher.”

Cùng với đó, EC sẽ kêu gọi 27 nước thành viên dần gỡ bỏ các hạn chế biên giới nội bộ và khởi động lại một số tuyến đường để giúp vực dậy ngành du lịch vốn đang ốm yếu.

Theo số liệu của EC, trong giai đoạn cao điểm từ tháng Sáu đến tháng Tám, ngành du lịch châu Âu thường đón tiếp khoảng 360 triệu lượt khách quốc tế và mang về 150 tỷ euro/năm.

Tuy nhiên giờ đây, để hạn chế đà lây lan của virus, các đường biên giới bên ngoài của khu vực đều đang đứng trước nguy cơ bị chặn đến ít nhất là giữa tháng 6 đối với những chặng di chuyển không cần thiết.

EC cảnh báo: "Ngành du lịch của chúng ta đang gặp rắc rối nghiêm trọng."

Theo ước tính, có đến 6,4 triệu việc làm có thể sẽ mất trong lĩnh vực này, với doanh thu của các khách sạn và nhà hàng giảm đến 50%, và doanh thu của các công ty du lịch trên biển và hàng không giảm 90%.

Đại dịch COVID-19 đã khiến EU đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế tồi tệ nhất, đồng thời đặt các quốc gia vào thế phải đấu tranh với nhau để tìm lấy vật tư thiết bị y tế thông qua các quyết định cấm xuất khẩu thuốc và những cuộc kiểm soát biên giới trong hỗn loạn.

Với tiêu đề "Châu Âu cần một khoảng nghỉ," EC kêu gọi chính phủ các nước thành viên đưa ra những biện pháp hạn chế được thiết kế theo từng mục đích để thay thế lệnh cấm di chuyển toàn khối, đồng thời hướng tới dỡ bỏ dần các biện pháp kiểm tra biên giới nội bộ.

Tuy nhiên, với việc người dân châu Âu nhiều khả năng sẽ chỉ ở nhà hoặc đi du lịch gần vào mùa Hè này, các khu vực và hòn đảo ngoại vi của EU có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để nhộn nhịp trở lại.

"Cho đến khi có vắcxin điều trị, nhu cầu và lợi ích của việc đi lại và du lịch cần phải được cân nhắc trước những rủi ro sẽ một lần nữa tạo ra làn sóng lây lan tiếp theo,” bản kế hoạch dự thảo của EC cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục