G7 tìm kiếm một thỏa thuận về thuế doanh nghiệp xuyên biên giới

Đề xuất thuế của Chính phủ Mỹ cho đến nay đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Và theo một nguồn tin châu Âu, một "thỏa thuận chính trị" có thể được công bố trong cuộc họp tuần này.
G7 tìm kiếm một thỏa thuận về thuế doanh nghiệp xuyên biên giới ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ tổ chức cuộc họp trong tuần này để đưa ra một thỏa thuận thống nhất về thuế doanh nghiệp, với mục tiêu tăng nguồn thu Chính phủ khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Theo kế hoạch, các các bộ trưởng sẽ tới London (Vương quốc Anh) vào thứ Sáu và thứ Bảy (4-5/6), trước hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G7 diễn ra vào tuần sau.

Washington đề xuất mức thuế doanh nghiệp tối thiểu là 15% để ngăn các công ty đa quốc gia như những “gã khổng lồ” công nghệ khai thác lỗ hổng hệ thống này để tăng lợi nhuận.

Đề xuất thuế của Chính phủ Mỹ cho đến nay đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Và theo một nguồn tin châu Âu, một "thỏa thuận chính trị" có thể được công bố trong cuộc họp tuần này.

Giáo sư kinh tế Jonathan Portes tại đại học King's College London cho biết nếu các nước G7 đều ủng hộ một thỏa thuận về thuế doanh nghiệp, động lực cho việc này sẽ khó có thể dừng lại. Ông bác bỏ những lời bàn tán về sự phản đối từ các quốc gia có thuế suất thấp như Ireland, nơi có mức thuế doanh nghiệp thuộc hàng thấp nhất trên thế giới là 12,5% và nhờ đó thu hút một loạt các “đại gia” công nghệ bao gồm Facebook và Google.

[G20 mong muốn đạt thỏa thuận cải cách thuế doanh nghiệp quốc tế]

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz trước đó cũng cho biết G7 đang tiến rất gần đến việc ký kết một thỏa thuận quốc tế, từ đó mở ra một cuộc cách mạng về thuế doanh nghiệp xuyên biên giới.

Pháp và Đức đều bày tỏ ủng hộ sáng kiến của Mỹ, nhưng nước Anh lại đang do dự. London muốn triển khai một gói cải cách rộng hơn đối với hệ thống thuế quốc tế để mở rộng khoản thu nhập chịu thuế của giới doanh nghiệp.

Giới phân tích tin tưởng rằng một thỏa thuận của G7 cũng sẽ hạn chế “cơn sốt” cắt giảm thuế của nhiều nước. Tuy nhiên, ông Diego Iscaro, một nhà kinh tế châu Âu cấp cao tại công ty nghiên cứu dữ liệu IHS Markit cảnh báo rằng nhiều khả năng các đề xuất được đưa ra tại cuộc họp sẽ đều sẽ bị điều chỉnh giảm nhẹ hơn trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục