Giáo dục Đại học: Chất lượng không theo kịp quy mô

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy mô đào tạo đại học tăng nhanh nhưng các điều kiện như giảng viên, chương trình đào tạo lại chưa theo kịp, dẫn đến chất lượng đào tạo thấp.
Quy mô đào tạo tăng nhanh nên các điều kiện đảm bảo chất lượng không theo kịp, dẫn đến chất lượng đào tạo còn thấp.

Đây là nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về những hạn chế trong giáo dục đại học năm 2012 tại Hội nghị Giáo dục Đại học năm 2013 tổ chức sáng 22/1, tại Hà Nội.

Đội ngũ giảng viên thiếu và yếu

Thừa nhận những yếu kém của giáo dục đại học hiện nay, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo ở các trường đại học còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn sản xuất; phương pháp giảng dạy ở các trường còn nặng về truyền đạt một chiều, thụ động.

Mặc dù đội ngũ giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học tăng nhanh, nhưng chưa theo kịp tăng trưởng về quy mô đào tạo, chất lượng còn thấp so với yêu cầu. Đặc biệt, tỷ lệ đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ hoặc có chức danh khoa học thấp.

Đưa ra những con số cụ thể, ông Tuấn cho biết, hiện toàn ngành có 286 giảng viên là giáo sư, chiếm 0,5% tổng số giảng viên; khoảng 2.000 phó giáo sư, chiếm 3,37%. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm 14,27%.

Lực lượng đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chỉ đạt 14,77%. Năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ hoặc chức danh khoa học chỉ đáp ứng 61% số học viên cao học hiện nay tính theo tất cả các lĩnh vực, ngành đào tạo.

Khối lượng giảng dạy lớn khiến thời gian dành cho nghiên cứu khoa học của giảng viên không đảm bảo, dẫn đến tình trạng bài giảng khô cứng, không phát triển được tư duy sáng tạo của sinh viên.

“Do thiếu công trình nghiên cứu khoa học, các trường đại học Việt Nam luôn bị xếp hạng thấp so với các đại học trên thế giới và trong khu vực,” ông Tuấn nói.

Cơ cấu đào tạo mất cân đối

Cũng theo ông Bùi Anh Tuấn, cơ cấu đào tạo đại học hiện nay còn mất cân đối cả về cơ cấu ngành nghề lẫn loại hình đào tạo.

Cụ thể, các trường chủ yếu tuyển sinh các ngành dễ dạy, dễ học, ít phải đầu tư cơ sở vật chất, không phải thí nghiệm thực hành, nhất là các trường ngoài công lập, dẫn đến tình trạng các nhiều ngành nhân lực đang có xu hướng thừa và chất lượng đào tạo không đảm bảo.

Ví dụ rõ ràng nhất là sự thừa nhân lực ngành tài chính, ngân hàng hiện nay. Theo công bố của Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính, trong vòng 4 năm tới, số sinh viên tài chính - ngân hàng không xin được việc sẽ là khoảng 13.000 người.

Phát biểu tại Hội nghị sáng nay, lãnh đạo các trường đại học cho biết, việc thừa nhân lực không chỉ có ngành tài chính ngân hàng mà trong thời gian tới, nếu Bộ không có sự điều chỉnh thì còn một loạt ngành khác cũng đang đứng trước ngưỡng bão hòa.

Theo Giáo sư Lê Văn Thành, Hiệu trưởng Đại học Xây dựng, cả nước hiện có hơn 30 cơ sở đào tạo kỹ sư công trình, kỹ sư xây dựng. Với tốc độ này, 5 năm nữa lực lượng nhân lực này sẽ thừa. “Vì thế, Bộ cần cơ cấu lại việc mở ngành theo hướng tập trung vào các trường đạo tạo có chất lượng ,” ông Thành kiến nghị.

Cũng về vấn đề bão hòa nhân lực, lãnh đạo Đại học Y Thái Bình cho rằng, trong khối y dược, ngành điều dưỡng cũng đã ở ngưỡng thừa.

Việc bất cập về cơ cấu cũng thể hiện rõ ngay trong ngành sư phạm. Theo Phó giáo sư Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Đại học Vinh, sư phạm hiện nay đang đào tạo theo kiểu “nhà nhà mở lớp” khi tỉnh nào cũng có một trường. Điều này dẫn đến sinh viên ra trường không tìm được việc làm.

Năm 2013: siết kỷ cương, nâng chất lượng


Trước những bất cập còn tồn tại năm 2012, ông Bùi Anh Tuấn cho biết, nam 2013, nhiệm vụ trọng tâm của ngành là tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng trong tất cả các khâu hoạt động của giáo dục đại học.

Theo đó, Bộ sẽ hoàn thiện cơ chế tuyển sinh đào tạo theo nhu cầu xã hội dựa trên nhu cầu trực tiếp của các địa phương, doanh nghiệp, quy hoạch lại nhân lực ngành sư phạm.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động giáo dục đào tạo, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết đảm bảo chất lượng của các trường trong toàn hệ thống.

Cũng trong năm 2013, Bộ sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học, tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Chiều nay, Bộ Giáo dục Đào tạo và lãnh đạo các trường sẽ bàn thảo cụ thể hơn về điểm mấu chốt nhất trong giáo dục đại học thời gian tới là việc tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2013./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục