Giáo viên vùng khó đề nghị có thêm chính sách để phát triển giáo dục

Các thầy cô đề nghị trang bị cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu dạy và học, thêm chính sách hỗ trợ kinh phí học tập cho học sinh và chế độ đãi ngộ cho giáo viên ở vùng khó khăn.
Giáo viên vùng khó đề nghị có thêm chính sách để phát triển giáo dục ảnh 1Điều kiện dạy và học ở các khu vực vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Cần tạo điều kiện hơn nữa cho giáo dục vùng khó, từ đầu tư cơ sở vật chất đến chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh, chế độ đãi ngộ cho giáo viên là chia sẻ của các giáo viên trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022 gửi tới Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn trong buổi gặp gỡ với Thứ trưởng sáng nay, 16/11.

Thêm chính sách cho vùng khó

Thầy Kim Thành Phong, giáo viên Trường Trung học phổ thông Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) cho hay hiện giáo dục vùng khó vẫn còn rất nhiều vấn đề như điều kiện kinh tế người dân khó khăn, tỷ lệ học sinh bỏ học để đi làm cao, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn.

Theo đó, thầy Phong kiến nghị cần có thêm các chính sách hỗ trợ chi phí học tập, giảm học phí cho học sinh dân tộc thiểu số, cải thiện điều kiện dạy và học cho các nhà trường để thực hiện chương trình giáo dục phổ thong mới. Bên cạnh đó, cần có chính sách để hỗ trợ giáo viên đang công tác tại vùng sâu vùng xa, đồng hành để các thầy cô an tâm công tác.

Đây cũng là đề nghị của cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pa Cheo (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Cô Thủy cho hay nơi mình dạy học, học sinh 100% là người dân tộc Mông, là hộ nghèo, một năm chỉ có một vụ lúa, hai vụ ngô, người dân phải làm thuê kiếm sống. Không chỉ dạy kiến thức, thầy cô còn phải chăm sóc sức khỏe cho học sinh, quan tâm đến đời sống của các em để giúp học sinh tránh được nạn tảo hôn, nhất là với học sinh nữ. Theo cô Thủy, cần có chế độ ưu tiên với các thầy cô giáo tâm huyết với học sinh vùng khó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân nơi đây.

Giáo viên vùng khó đề nghị có thêm chính sách để phát triển giáo dục ảnh 2Các giáo viên chia sẻ tại buổi gặp gỡ. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Cũng liên quan đến vấn đề quyền lợi giáo viên, cô Đinh Thị Loan, giáo viên trường mầm non Khun Há (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) cho rằng việc khống chế tỷ lệ thi đua khen thưởng chỉ 15% giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua là chưa phù hợp khi tất cả các thầy cô giáo đều rất nỗ lực vượt khó khăn để dạy và học vì học sinh. Việc khống chế tỷ lệ khiến cho nhiều giáo viên dù nhiều năm nỗ lực vẫn không thể đạt được danh hiệu dù xứng đáng.

Bộ sẽ có giải pháp quyết liệt hơn

Lắng nghe và ghi nhận những chia sẻ của các thầy cô, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận, thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn và trăn trở của thầy, cô. Thứ trưởng cho hay Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, chế độ chính sách đã có nhiều. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn nhiều khó khăn, chính sách, chế độ chưa thể bao phủ được hết.

Thứ trưởng cũng cho biết hiện Chính phủ có "Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, miền núi". Trong thời gian tới,  chính sách này sẽ góp phần tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học tại các địa phương.

[Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt các giáo viên tiêu biểu]

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng luôn nỗ lực đề ra, đề xuất những cơ chế, chính sách về tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học của các trường ở địa phương,  chế độ chính sách với đội ngũ nhà giáo.

Thứ trưởng cho hay thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã rất nhiều lần có ý kiến về việc này và đề xuất với Quốc hội, Chính phủ. “Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận các ý kiến của thầy, cô và sẽ có giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt hơn trong thời gian tới,” Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Giáo viên vùng khó đề nghị có thêm chính sách để phát triển giáo dục ảnh 3Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn tặng bằng khen cho các thầy cô giáo trong chương trình. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng nhấn mạnh, để ngành giáo dục đạt được nhiều thành tích quan trọng trong thời gian qua nhờ phần lớn công sức, sáng tạo không ngại khó khăn gian khổ của tất cả các thầy cô trên mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là các thầy cô giáo hôm công tác tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, những người tận tụy hết lòng với nghề nghiệp.

Nhiều thầy cô có hoàn cảnh gia đình khó khăn, điều kiện giảng dạy còn thiếu thốn, phương tiện di chuyển đến trường khó khăn. Nhiều thầy cô đi bộ, di chuyển bằng ghe, thuyền đến các điểm trường, xã đảo. Nhiều thầy cô đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì sự nghiệp giáo dục tại các vùng khó khăn. Có những thầy cô có đến hơn 30 năm gắn bó. Vượt qua những khó khăn vất vả ấy, các thầy cô phấn đấu giảng dạy công tác đạt nhiều thành tích trong chuyên môn, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bằng khen của các cấp.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, trong giai đoạn hiện nay, ngành giáo dục đứng trước yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, đặc biệt triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, mới ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy học, yêu cầu hội nhập quốc tế trong giáo dục ngày càng cao, điều đó càng đòi hỏi nhiều hơn sự đóng góp của thầy cô. Vì thế, mỗi thầy cô giáo không chỉ là tấm gương sáng về đạo đức nhà giáo, về tinh thần tận tụy với nghề mà còn là tấm gương sáng về học tập rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới chính mình nâng cao chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục.

“Tôi mong các thầy cô tiếp tục cố gắng phấn đấu hơn nữa nâng cao trình độ nghiệp vụ hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trồng người vinh quang của mình,” Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục