Quyết định đầu tư 65 triệu USD để triển khai dịch vụ đi chung ôtô, hãng GrabTaxi có trụ sở chính đặt tại Malaysia đã không giấu giếm tham vọng đánh bại tập đoàn Uber của Mỹ ngay trên "sân nhà" Đông Nam Á.
Cuộc chiến cạnh tranh giữa các hãng taxi lớn đang "tăng nhiệt" từng ngày nhằm phân chia lại thị phần vận chuyển tại một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới.
Grab Hitch, dịch vụ đi chung ôtô của hãng GrabTaxi, sẽ cho phép các lái xe ở Singapore đón khách cùng đường nếu xe họ còn ghế trống.
Ông Anthony Tan, người sáng lập GrabTaxi, cho rằng đây là một giải pháp rất hữu hiệu để khắc phục tình trạng tắc nghẽn giao thông trầm trọng ở Đông Nam Á.
"Không những thế, nó còn giúp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tạo điều kiện cho mọi người có thêm trải nghiệm mới mẻ," ông nói. Grab Hitch hẳn nhiên là một lựa chọn thích hợp bởi nó rẻ hơn nhiều so với taxi bình thường trong khi mọi người lại có cơ hội gặp gỡ, giao lưu.
Tuy không nói ra, nhưng rõ ràng GrabTaxi đang hướng tới mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với Uber trên thị trường Đông Nam Á.
Mấy tháng qua, Uber đã triển khai dịch vụ đi chung ôtô mang tên UberPool ở Trung Quốc và Ấn Độ. Với tiềm lực tài chính dồi dào và nền tảng công nghệ vững chắc, Uber đã châm ngòi cho cuộc chiến cạnh tranh thị phần giữa các hãng taxi ở châu Á. Mặc dù vậy, tập đoàn này cũng đang gặp nhiều rắc rối khi mâu thuẫn, xung đột nổ ra với các tài xế taxi ở Indonesia trong khi họ vẫn phải theo đuổi một vụ kiện ở Trung Quốc.
Hiện, GrabTaxi đã có mặt tại 6 quốc gia Đông Nam Á và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động để bao phủ toàn bộ khu vực.
Thời gian gần đây, hãng này liên tiếp tung ra những sản phẩm dịch vụ mới nhằm thu hút khách hàng và mở rộng thị phần. GrabTaxi vừa triển khai GrabBike - một dịch vụ kết nối giữa khách hàng với tài xế xe ôm, ở Indonesia và Việt Nam.
Theo ông Tan, hãng đang cân nhắc việc mở rộng dịch vụ vận chuyển và phân phối GrabExpress sau những thử nghiệm ban đầu ở Philippines và Thái Lan.
"Chúng tôi mong muốn thiết lập một mạng lưới vận chuyển an toàn, hiệu quả. Trong lĩnh vực này, vẫn còn không ít cơ hội để sáng tạo và đổi mới," ông Tan nói.
Tuy nhiên, sự xuất hiện ngày càng nhiều các dịch vụ vận chuyển hành khách cũng đặt ra bài toán khó về thu nhập. Gojek, một hãng chuyên kết nối khách hàng với tài xế xe ôm ở Indonesia, đã phải ngừng tuyển thêm lái xe mới.
Hiện, Gojek có khoảng 200.000 tài xế xe ôm hoạt động trên khắp lãnh thổ Indonesia. Nadiem Makarim - người sáng lập Gojek, cho rằng hãng đã có quá nhiều lái xe, và mục tiêu giờ đây là duy trì nguồn thu nhập ổn định cho mỗi người./.