Hà Nội: Rà soát, giải quyết dứt điểm các nội dung đã cam kết với cử tri

Chủ tịch HĐND Hà Nội đề nghị các sở, ngành rà soát lại các nội dung đã hứa, cam kết với cử tri ở các cuộc tiếp xúc trước đó để trả lời, giải quyết dứt điểm, nhằm thực hiện hiệu quả tiếp xúc cử tri.

Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi tiếp xúc. (Ảnh: TTXVN phát)
Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi tiếp xúc. (Ảnh: TTXVN phát)

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các sở, ngành rà soát lại các nội dung đã hứa, đã cam kết với cử tri tại các cuộc tiếp xúc trước đó để trả lời, giải quyết dứt điểm, nhằm thực hiện có trách nhiệm, hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh như vậy tại buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 17 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 của đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố đơn vị bầu cử số 2, quận Hoàn Kiếm, vào ngày 13/6.

Nhấn mạnh một số kết quả thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế, xã hội trong quý 1/2024, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thời gian qua, Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng chú ý là xây dựng và hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi); trình Quốc hội xem xét Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được thông qua là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo động lực phát triển Thủ đô. Vì vậy, sau khi Luật Thủ đô được thông qua, cần có các giải pháp triển khai để Luật phát huy hiệu quả trong đời sống.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết tại Kỳ họp thứ 17, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ xem xét thông qua Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, vấn đề phòng cháy, chữa cháy cùng nhiều cơ chế chính sách liên quan đến an sinh xã hội.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Thị Xuân Thắng, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, kiến nghị lãnh đạo thành phố và quận Hoàn Kiếm tiếp tục quan tâm, giải phóng mặt bằng trong thời gian sớm nhất để xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (địa điểm thứ 2), đáp ứng mong mỏi của nhân dân 2 phường Phan Chu Trinh và Hàng Bài trong nhiều năm qua.

ttxvn_tiep xuc cu tri Ha Noi.jpg
Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri. 9Ảnh: TTXVN phát)

Cử tri Nguyễn Hữu Cử, phường Hàng Đào, đề nghị thành phố bố trí quỹ đất ngoài đê sông Hồng hoặc một số nơi khác để làm bãi đỗ xe máy, ôtô cho người dân. Ngoài ra, thành phố nên bố trí xe buýt loại nhỏ hoạt động từ 5 giờ đến 8 giờ sáng và 16 giờ đến 20 giờ để đưa đón khách gửi xe, nhằm giảm mật độ giao thông ở khu vực phố cổ; đồng thời đề nghị thành phố quan tâm xây dựng thêm nhà vệ sinh công cộng trên một số tuyến phố.

Ngoài ra, các cử tri cũng kiến nghị các vấn đề liên quan đến trật tự đô thị, giao thông, giải phóng mặt bằng triển khai dự án; bảo hiểm y tế cho người cao tuổi; tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các gia đình chính sách; chế độ chính sách, thù lao đối với cựu thanh niên xung phong tham gia công tác tại Hội Thanh niên xung phong.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết với đề nghị bố trí quỹ đất để làm bãi đỗ xe và bố trí xe buýt để giảm mật độ giao thông ở khu vực phố cổ, quận Hoàn Kiếm đã có đề xuất thành phố quy định hạn chế xe ôtô vào phố cổ và hạn chế xe buýt đi vào các trục xuyên tâm.

Sau khi mở các tuyến phố đi bộ, vào cuối tuần có một số điểm ùn tắc nhất định, quận đã phối hợp tiến hành nghiên cứu lại việc tổ chức giao thông. Theo đó, trước mắt, quận bố trí giao thông tĩnh ở phần ngầm như vườn hoa ở Nhà hát Lớn, quảng trường 1/5; điều chỉnh một số điểm ùn tắc cục bộ; tăng cường xe buýt nhỏ đi vào trung tâm của quận.

Đối với kiến nghị bổ sung thêm nhà vệ sinh công cộng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết hiện trên địa bàn quận có 55 nhà vệ sinh công cộng, nhưng nhiều công trình đã xuống cấp, một số vị trí chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Quận Hoàn Kiếm cũng đang sắp xếp lại các vị trí để bảo đảm phục vụ du khách thuận tiện nhất. Cùng với đó, quận tiếp tục duy trì các nhà vệ sinh công cộng đang có và cải tạo, kêu gọi cả nguồn xã hội hóa.

Kỳ họp thứ 17 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội dự kiến diễn ra từ ngày 1-5/7.

Ngoài các nội dung thường kỳ, tại Kỳ họp này, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ xem xét một số nội dung về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của Hội đồng Nhân dân thành phố về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố; thông qua Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố; thông qua Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục