Hạch toán tài khoản đại dương: Cơ hội để phát triển kinh tế biển bền vững

Đại diện Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên Môi trường cho hay việc hạch toán tài khoản đại dương sẽ giúp các cơ quan quản lý xác định đầy đủ các nguồn dữ liệu để phát triển kinh tế biển bền vững.

Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển Xanh. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển Xanh. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, ngày 14/12, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo “Đào tạo về Hạch toán tài khoản đại dương” nhằm ghi nhận giá trị thực sự của đại dương đối với nền kinh tế, qua đó xây dựng các chính sách cụ thể theo hướng phát triển xã hội chuyển dịch ra biển.

Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh với đường bờ biển kéo dài hơn 3.260km và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, hơn 20 kiểu hệ sinh thái đặc trưng và là nơi sinh sống của khoảng 11.000 sinh vật biển, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển Kinh tế biển Xanh. Tuy nhiên, hiện nay, việc quản lý thông tin liên quan đại dương còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Qua nghiên cứu, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường nhận thấy các dữ liệu về đại dương thường bị phân mảnh, do nhiều tổ chức khác nhau sắp xếp, vì thế rất khó có thể ước tính được số liệu chính xác về tổng đóng góp của nghề cá cho nền kinh tế cũng như sản lượng bền vững tối đa.

Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế biển đối với sự phát triển của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu Nghị quyết hướng tới tăng cường phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường vùng biển, ven biển và hải đảo theo hướng phát triển xã hội chuyển dịch ra biển.

"Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của chiến lược, việc áp dụng cách tiếp cận tài khoản đại dương sẽ hỗ trợ xác định phát triển kinh tế biển một cách bền vững, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách liên quan đến Kinh tế biển Xanh của Việt Nam," ông Thọ nhấn mạnh.

Đề cập cụ thể về việc hạch toán tài khoản đại dương, ông Thọ cho hay đây là một khung thống kê để sắp xếp các dữ liệu và số liệu thống kê có liên quan, dựa trên các nguyên tắc và tiêu chuẩn của Hệ thống hạch toán kinh tế môi trường (SEEA). Hệ thống hạch toán này được thiết lập nhằm cung cấp các tiêu chuẩn để tổng hợp dữ liệu vật lý về môi trường và liên kết dữ liệu đó với dữ liệu tiền tệ trong Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA).

vnp_rung ngap man3.jpg
Hướng tới xây dựng các chính sách để bảo tồn các giá trị của vốn tự nhiên. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Phương pháp trên có thể được áp dụng không chỉ để tính toán dữ liệu về trữ lượng cá mà còn sử dụng trong tính toán các nguồn gây ô nhiễm trên đất liền và giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái như bảo vệ bờ biển, hấp thụ carbon và giải trí.

“Việc thống nhất các số liệu thống kê về môi trường và kinh tế sẽ hỗ trợ trong việc tính toán giá trị mang lại của đại dương đối với nền kinh tế và tác động của nền kinh tế đối với hệ sinh thái đại dương, đồng thời xây dựng các chính sách để bảo tồn các giá trị của vốn tự nhiên, bảo vệ lợi ích lâu dài của đất nước,” ông Thọ nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, nhóm chuyên gia tư vấn cũng đã giới thiệu kết quả nghiên cứu thí điểm hạch toán tài khoản đại dương tại Việt Nam để các bên liên quan trao đổi phương pháp tiếp cận, nguồn dữ liệu và khả năng áp dụng; qua đó hỗ trợ lồng ghép các giá trị dịch vụ hệ sinh thái vào các chính sách phát triển bền vững biển và hỗ trợ xây dựng lộ trình lồng ghép tài khoản đại dương vào các chính sách của quốc gia.

Theo bà Kim Thị Thúy Ngọc (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường), đại dương là nguồn sinh kế và dinh dưỡng quan trọng đóng góp vào quá trình tăng trưởng kinh tế ở khu vực và Việt Nam nói riêng. Vì thế, việc hạch toán tài khoản đại dương là giải pháp rất quan trọng để quản lý thông tin liên quan đến biển và đại dương.

Tại hội thảo, ông Ngô Như Vẻ (Tổng cục Thống kê) cũng đã chia sẻ về phương pháp đo lường đóng góp của các ngành kinh tế biển đối với tăng trưởng kinh tế (trong đó trọng tâm là các chỉ số đo lượng hoạt động của các ngành kinh tế biển; phương pháp đo lường đóng góp của ngành kinh tế biển vào tăng trưởng chung của nền kinh tế), từ đó bảo bảo vệ lợi ích lâu dài của đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục