Diễn viên khỉ tiến hóa

"Hành tinh khỉ": Bước "tiến hóa" của diễn viên khỉ

Sự tiến bộ về công nghệ đã khiến diễn xuất của các "diễn viên khỉ" trong "Rise of the Planet of the Apes" trở nên sống động như thật.

Với các “fan” trung thành của môn nghệ thuật thứ 7, loạt phim có tựa “Planet of the Apes” (Hành tinh khỉ) không hề xa lạ, bởi kể từ khi cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Pháp Pierre Boulle ra đời năm 1963, đã có 6 tác phẩm điện ảnh được ra đời, trong đó tập phim đầu tiên với nam diễn viên Charles Heston thủ vai đã trở thành kinh điển.

Tuy nhiên, chất lượng của serie phim càng ngày càng đi xuống, tập phim gần nhất năm 2001, dù có đạo diễn nổi tiếng Tim Burton cũng như dàn diễn viên hùng hậu với Mark Wahlberg, Tim Roth, Helena Bonham Carter song đã phải nhận chỉ trích thậm tệ từ giới phê bình.

Quyết tâm làm sống lại “con gà đẻ trứng vàng” của mình, hãng Fox đã giao dự án phim cho đạo diễn còn khá trẻ Rupert Wyatt và những gì họ nhận lại thậm chí còn vượt quá mức kì vọng, khi “Rise of the Planet of the Apes” (Cuộc nổi dậy của loài khỉ) là một trong những bộ phim vừa đạt doanh thu cao, vừa nhận được phản hồi tích cực từ khán giả trong hè 2011.


Là một dự án được khởi động lại nên nội dung phim không hề liên quan tới các phần phim trước đây. Bộ phim mở đầu với nhân vật Will Rodman (James Franco thủ vai), một nhà khoa học tài năng làm việc tại tập đoàn Gen Sys với công trình nghiên cứu nhằm phát minh ra một loại virus có thể khôi phục lại các tế bào não đã mất cho con người.

Tuy nhiên, trong buổi thuyết trình trước các nhà đầu tư về sự hiệu quả của loại thuốc khi được thử nghiệm trên loài tinh tinh, đột nhiên con khỉ được được coi là thí nghiệm thành công nhất của Will đột ngột xổng chuồng và gây náo loạn để rồi cuối cùng bị tiêu diệt.

Dự án thử nghiệm bị thất bại, cánh cửa tương lai với hi vọng phát minh ra một loại thuốc có thể đẩy lùi căn bệnh Alzheimer mà cha mình mắc phải của Will tưởng như cũng bị đóng sập, trước khi anh nhìn thấy tia sáng cuối đường hầm: con tinh tinh thí nghiệm trước khi qua đời đã kịp để lại một sinh linh bé bỏng.

Anh đem con vật về nhà nuôi dưỡng và đặt tên là Caesar, đồng thời thử nghiệm loại thuốc ALZ-112 lên chính cơ thể cha mình. Ngạc nhiên thay, kết quả đến ngay tức thời khi ông lập tức trở lại bình thường, thậm chí còn minh mẫn hơn trước. Cuộc sống của Will diễn ra êm đẹp với gia đình và công việc nghiên cứu , cho tới khi chú khỉ Caesar trưởng thành và trở nên thông minh vượt quá xa so với tiên liệu của anh...

Xuất sắc hơn cả James Franco!

Đóng vai chính trong bộ phim là nam diễn viên vừa được đề cử Oscar James Franco với bộ phim “127 giờ” (đề cử Oscar nam chính xuất sắc nhất năm 2011). Thế nên, khả năng diễn xuất của anh hoàn toàn không phải bàn cãi. Tình cảm của nhà khoa học Will dành cho cha khi dành hết thời gian để nghiên cứu tìm ra thuốc, cũng như mối quan hệ với chú khỉ Caeser như một người bố đã tạo được sự đồng cảm với khán giả.

Bộ phim còn có sự góp mặt của nhiều diễn viên nổi tiếng như cô nàng “triệu phú ổ chuột” Freida Pinto trong vai nữ bác sĩ thú y Caroline - bạn gái của Will, hay John Litgow - nam diễn viên quen mặt với các khán giả truyền hình Mỹ…

Tuy nhiên, những tên tuổi ấy hoàn toàn bị lu mờ nếu đem đặt cạnh nhân vật trung tâm của bộ phim là loài khỉ, với tâm điểm là chú tinh tinh Caesar. Nếu như trong những phần trước, loài khỉ đều do diễn viên hóa trang (kể cả trong phiên bản 2001), thì giờ đây với sự tiến bộ của công nghệ, loài khỉ hiện lên chân thực và gần gũi hơn bao giờ hết nhờ kĩ thuật CGI (Computer Generated Image) của êkip kĩ xảo từng thực hiện các siêu phẩm “Lord of the Rings” hay “Avatar.”


Diễn xuất của "khỉ" còn xuất sắc hơn cả Franco (Nguồn: Fox)

Trong đó, diễn xuất của chú khỉ cầm đầu Caesar được thể hiện bởi nam diễn viên Andy Serkis, người đã thành danh với vai Gollum trong loạt phim “Chúa nhẫn,” hay khỉ đột King Kong trong bộ phim cùng tên năm 2005.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực motion capture (nắm bắt chuyển động), Serkis đã thổi hồn cho nhân vật Caesar trong từng chuyển động, khi những bước đu nhảy, leo trèo của chú khỉ đều hút hồn khán giả. Diễn xuất của anh thậm chí xuất sắc hơn cả James Franco, bởi vai diễn khỉ không có lời thoại nên buộc phải thể hiện diễn biến tâm lý qua những cử chỉ, hành động.

Diễn biến tâm lý của Caesar, từ lúc còn là chú khỉ mới lọt lòng, sống trong sự bao bọc của con người cho tới lúc bị cô lập và trở về với đồng loại đích thực của mình, từng ánh mắt khi thì buồn, sợ sệt, khi thì đau đáu yêu thương cho tới phẫn nộ, tất cả khiến cho khán giả cảm thông được với suy nghĩ của một con vật không hề giống với bất cứ cá thể nào từng xuất hiện trước đó.

Cái kết nhân văn

Đóng góp của đoàn kĩ xảo từ xưởng phim WETA Digital không chỉ dừng lại ở những chú tinh tinh cử động như thật thông qua xử lí của máy tính mà còn ở bối cảnh hoành tráng. Diễn ra tại thành phố San Francisco, nên địa danh nổi tiếng nhất là cầu Cổng Vàng được chọn làm nơi diễn ra trường đoạn hấp dẫn và kịch tính nhất bộ phim, khi đoàn khỉ do Caesar cầm đầu băng qua cây cầu đối đầu với lực lượng cảnh sát.

Dù cây cầu nổi tiếng này từng nhiều lần xuất hiện trong các bộ phim và bị “tàn phá” bởi bom đạn, người ngoài hành tinh hay các dị nhân, song chứng kiển sự đối đầu giữa đoàn khỉ có trí thông minh và loài người trong làn sương khói vẫn đem lại cảm giác mới lạ cho khán giả. Đó có thể được xem là một trong những cảnh đáng nhớ nhất trong mùa phim hè năm nay.

Cảnh chiến đấu tại cầu Cổng vàng (Nguồn: Fox)

Với kĩ xảo là đột phá so với các tập phim trước, lối kể truyện bằng hình ảnh giàu cảm xúc của đạo diễn Rupert Wyatt cùng dàn diễn viên tài năng, không ngạc nhiên khi “Cuộc nổi dậy của loài khỉ” đã có 2 tuần liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng các phim ăn khách khu vực Bắc Mỹ.

Xem xong bộ phim, hẳn sẽ nhiều người đọng lại những câu hỏi: Liệu đâu là giới hạn của khoa học kỹ thuật, và việc can thiệp để đi ngược lại quy luật của tự nhiên liệu có thể đem lại hạnh phúc?./.

 
“Rise of the Planet of the Apes” (Sự nổi dậy của loài khỉ) do Rupert Wyatt đạo diễn, với các diễn xuất của James Franco, Freida Pinto, John Lithgow, Andy Serkis…

Phim dài 105 phút, có kinh phí 93 triệu USD, ra rạp từ 5/8/2011 và đến nay đã thu về hơn 209 triệu USD. Tại Việt Nam, phim được công chiếu từ 18/8.


Xem trailer tiếng Việt của phim:


Thịnh Joey (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục