Hé lộ thông tin thú vị từ hoạt động của loài rắn đuôi chuông

Theo Giáo sư Boris Chagnaud, Đại học Karl-Franzens ở Áo, rắn đuôi chuông “dệt” nên ảo ảnh thính giác kỳ lạ này để tạo ra "khoảng cách an toàn" giữa chúng và kẻ tấn công.
Hé lộ thông tin thú vị từ hoạt động của loài rắn đuôi chuông ảnh 1Rắn đuôi chuông. (Nguồn: livescience.com)

Theo nghiên cứu mới nhất của giáo sư Boris Chagnaud - nhà nghiên cứu cao cấp ngành sinh học thần kinh tại Đại học Karl-Franzens ở Áo, tiếng lạch cạch đầy tính đe dọa của rắn đuôi chuông phức tạp hơn nhiều so với nghiên cứu ban đầu.

Rắn đuôi chuông phát ra âm thanh ở đuôi khi đến gần kẻ thù. Kẻ thù càng tới gần, tần suất âm thanh càng tăng. Nhà khoa học mới phát hiện tần suất tăng đột ngột âm thanh lạch cạch mà loài này phát ra còn để đánh lừa người nghe.

Ông Chagnaud nhận thấy tần suất “chuông kêu” của con rắn tăng lên đột ngột khi ông tới gần, giảm dần khi ông đi ra xa. Để tìm hiểu nguyên nhân đằng sau hiện tượng này, nhóm của ông đã ghi lại tần số của tiếng kêu khi đưa thử nhiều vật thể khác nhau đến gần con rắn.

Ban đầu, tiếng lạch cạch tăng lên với tốc độ ổn định, khoảng 40Hz. Tuy nhiên, khi vật thể đến gần hơn, tần số đột ngột tăng lên từ 60 cho đến 100 Hz.

[Chile phát hiện hóa thạch bò sát biển khổng lồ thuộc kỷ Jura]

Theo các nhà nghiên cứu, đối tượng tiếp cận càng nhanh, tốc độ rung lắc càng mạnh. Tuy nhiên, kích cỡ của vật thể không ảnh hưởng tới mức tần số.

Để tìm ra lý do tại sao con rắn lại thay đổi tốc độ “rung chuông,” các nhà nghiên cứu đã thiết kế đồng cỏ ảo với một con rắn ảo ẩn bên trong.

Sau thử nghiệm, ông Chagnaud cho rằng rắn đuôi chuông “dệt” nên ảo ảnh thính giác kỳ lạ này để tạo ra "khoảng cách an toàn" giữa chúng và kẻ tấn công.

Ông đưa ra giả thuyết thính giác của con người bắt được tần số tiếng lạch cạch của con rắn. Tai người có quy luật càng đến gần thì nghe càng rõ, vậy nên con rắn đã thay đổi quy tắc, đánh lừa bằng cách đột ngột thay đổi tần số.

"Hãy tưởng tượng bạn đi về phía con rắn, nó bắt đầu kêu từ từ rồi tăng dần dần tiếng kêu. Nếu bạn cách con rắn khoảng 2 mét, con rắn đột ngột thay đổi quy tắc này. Thay vì phát ra âm thanh như thể bạn đứng cách nó 2 mét, nó lại tạo ra âm thanh ở khoảng cách 1 mét. Đó là cách nó đánh lừa bạn,” ông Chagnaud cho biết.

Sự tiến hóa này là một quá trình ngẫu nhiên. Ông Chagnaud cho rằng con rắn làm vậy là để tránh chạm trán với động vật có vú, hoặc đơn giản tránh bị giẫm lên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục