Hồ sơ nợ nước ngoài phình to, Lào tự đặt bẫy nợ cho chính mình?

Đã có cuộc tranh luận về việc liệu thách thức nợ của Lào có phải là một ví dụ của cái gọi là “ngoại giao bẫy nợ” liên quan đến BRI của Trung Quốc hay không.
Hồ sơ nợ nước ngoài phình to, Lào tự đặt bẫy nợ cho chính mình? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Asianews)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, cơ quan xếp hạng Fitch mới đây đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Lào xuống CCC - lần đánh tụt hạng thứ hai trong năm 2020, sau khi đã giảm xuống mức B hồi tháng 5/2020.

Phần lớn nguyên nhân là do đại dịch COVID-19 khiến tăng trưởng kinh tế của Lào giảm từ 5,5% trong năm 2019 xuống còn 0,5% theo dự kiến trong năm 2020. Đây là mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất của quốc gia Đông Nam Á này được ghi nhận kể từ năm 1990.

Tuy nhiên, dù đại dịch COVID-19 là một cú sốc rõ ràng, song xếp hạng tín nhiệm không chỉ được xác định dựa trên cơ sở tăng trưởng kinh tế.

Dự trữ ngoại hối "không đủ," thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng tăng, nợ tiềm tàng từ quan hệ đối tác công tư, quản trị kém - bao gồm năng lực thể chế yếu kém và kiểm soát tham nhũng - và các quyền tự do chính trị bị hạn chế làm hạn chế sự chịu trách nhiệm... cũng góp phần vào việc đánh giá tín nhiệm bị giảm.

Kết hợp tất cả những yếu tố trên đã dẫn đến một hồ sơ nợ nước ngoài phình to. Theo Fitch, Lào có nghĩa vụ phải trả khoản nợ khoảng 500 triệu USD từ nay đến cuối năm, và thêm 1,1 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2024. Nợ nước ngoài ròng của nước này dự kiến sẽ vượt 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020, trong khi nợ công được bảo lãnh tương đương gần 65% GDP.

Chỉ riêng nợ không tạo ra mức xếp hạng tín dụng CCC. Nhật Bản có nợ quốc gia cao nhất thế giới, xấp xỉ 237% GDP, nhưng vẫn duy trì mức xếp hạng A. Tuy nhiên, thách thức về nợ của Lào đang gây lo ngại sâu sắc. Một số nhà bình luận trên phương tiện truyền thông cho rằng nước này đang rơi vào bẫy nợ do các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Gần một nửa tổng nợ công của Lào do Trung Quốc nắm giữ, trong đó có khoản vay 5,9 tỷ USD cho dự án đường sắt cao tốc Viêng Chăn-Boten và phát triển thủy điện do Trung Quốc tài trợ là điểm nổi bật trong tổng số nợ này. Đường sắt cao tốc là siêu dự án lớn nhất và đắt nhất từng được xây dựng ở Lào. Mặc dù khả năng tài chính của các dự án chi phí cao như vậy đã bị đặt dấu hỏi từ lâu, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã làm tăng thêm sự nghi ngờ và tính không chắc chắn.

[Ngân hàng Thế giới lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Lào]

Khi năng lực thu hút vốn tài trợ cho các dự án “rủi ro cao” và gây tranh cãi như vậy của Lào giảm, chính phủ nước này chủ yếu chuyển sang tín dụng của Trung Quốc. Họ đã bỏ qua các lựa chọn cấp vốn như Sáng kiến Đình chỉ Dịch vụ Nợ của nhóm G20 và Quỹ Tín dụng khẩn để đối phó với đại dịch của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để nhận các khoản cho vay bổ sung từ Trung Quốc. Không rõ tại sao Lào lại thực hiện cách tiếp cận này.

Công ty China Southern Power Grid của Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, sẽ sớm nắm đa số cổ phần kiểm soát mạng lưới truyền tải điện quốc gia của Lào khi hợp tác với công ty điện lực quốc doanh của Lào Electricite du Laos (EDL).

EDL có các khoản nợ chưa thanh toán vào khoảng 5 tỷ USD, do đó, khoản đầu tư nước ngoài được đề xuất như một phần của việc tiếp quản sẽ phần nào giúp giảm bớt gánh nặng nợ của Lào. Tuy nhiên, mối quan hệ đối tác này đã đưa Lào tiến sâu hơn vào quỹ đạo của Trung Quốc; Lào là một cửa ngõ quan trọng trên bộ để Trung Quốc tiến vào Đông Nam Á và có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên mà Trung Quốc đang khai thác để tăng trưởng kinh tế của chính họ.

Nhận thức rõ điều này, đã có cuộc tranh luận về việc liệu thách thức nợ của Lào có phải là một ví dụ của cái gọi là “ngoại giao bẫy nợ” liên quan đến BRI của Trung Quốc hay không, hay nó chỉ đơn giản là kết quả của sự kết hợp đặc trưng hơn giữa quản trị và chính sách yếu kém cộng với cú sốc COVID-19.

Câu trả lời là cả hai: chính các quyết định chính sách kém và đặt cược rủi ro cao đã khiến Lào rất dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động kinh tế do COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, việc Trung Quốc sẵn sàng tài trợ cho các siêu dự án có vấn đề về tính khả thi kinh tế đã góp phần vào gánh nặng nợ bấp bênh của Lào. Sự phụ thuộc vào nợ công khiến Lào và Trung Quốc rơi vào tình thế khó khăn.

Một số nhà bình luận đã có lý khi chỉ trích cách thức liều lĩnh và có động cơ chính trị, trong đó các cáo buộc về “ngoại giao bẫy nợ” đã bị Trung Quốc bác bỏ. Nợ không bền vững gây khó khăn cho cả bên đi vay và bên cho vay, bao gồm cả các khoản vỡ nợ và các mối quan hệ bị tổn hại.

Trong nhiều trường hợp, các quốc gia nhỏ hơn và yếu hơn về tài chính thường tìm kiếm nguồn tài trợ từ Trung Quốc, chứ không phải Trung Quốc chủ động “bán” các khoản vay để “lừa” các quốc gia gặp khó khăn. Và trên thực tế, Lào đang tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc để theo đuổi các ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia. Tuy nhiên, một trong những chức năng cốt lõi của nợ - bất kể người cho vay là ai - là tạo ra sự phụ thuộc của người đi vay vào người cho vay.

Cho dù Bắc Kinh đã chủ động tìm cách khiến Lào phải chịu trách nhiệm về mặt chiến lược đối với các khoản vay không thể trả được, hay nguyên nhân chính là đại dịch COVID-19 và chính sách tài khóa kém, thì kết quả vẫn giống nhau: Lào ngày càng phụ thuộc vào các khoản vay từ Trung Quốc để duy trì phát triển kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục