Hội nghị Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học

Ngày 17/10, Bộ trưởng Môi trường của hơn 70 quốc gia đã bắt đầu hội nghị Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học (CBD).
Ngày 17/10, Bộ trưởng Môi trường của hơn 70 quốc gia đã bắt đầu hội nghị Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học (CBD), kéo dài ba ngày tại Hyderabad (Ấn Độ), để thảo luận cách chấm dứt tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, trong bối cảnh các nước đang chịu sức ép phải huy động các nguồn tài chính để thực hiện các cam kết chính trị đối với vấn đề này.

Hội nghị diễn ra nhân kỷ niệm 20 năm ra đời CBD với 193 nước ký công ước. Trước đó, tại hội nghị năm 2010 ở Nhật Bản, các nước thành viên Liên hợp quốc đã nhất trí một kế hoạch gồm 20 điểm, theo đó đến năm 2020 giảm một nửa tỷ lệ thu hẹp môi trường sống, mở rộng các khu vực đất và nước được bảo vệ, ngăn chặn đà tuyệt chủng của các loài trong danh sách bị đe dọa, và khôi phục ít nhất 15% hệ sinh thái bị xuống cấp.

Kế hoạch này đang có nguy cơ không thực hiện được do thiếu tiền chi cho các chương trình bảo tồn thiên nhiên trong bối cảnh toàn cầu áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng". Các chuyên gia ước tính cần khoảng 150-440 tỷ USD mỗi năm để thực hiện được các mục tiêu này.

Hội nghị cấp bộ trưởng của CBD diễn ra sau khi kết thúc hai tuần thảo luận giữa các quan chức cấp cao của 184 quốc gia thành viên CBD bế tắc trong vấn đề tài chính.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nhấn mạnh "vấn đề quan trọng thực sự là làm sao để huy động được các nguồn tài chính, nhân lực và công nghệ cần thiết" để thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Ông cho biết Ấn Độ đã cam kết chi 50 triệu USD để thúc đẩy công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Theo "Danh sách Đỏ" của Liên minh Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) công bố ngày 17/10, gần một nửa các loài động vật lưỡng cư, 1/3 các loại san hô, 1/4 các loạt động vật có vú, 1/5 các loại cây trồng và 13% các loài chim trên thế giới đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Một báo cáo được công bố tại hội nghị trên cho biết 50% diện tích đầm lầy đã bị phá hủy trong vòng 100 năm qua để lấy không gian xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất và làm trang trại, hoặc bị hủy hoại do việc sử dụng nước không bền vững và tình trạng ô nhiễm. Báo cáo cũng cho biết diện tích đầm lầy ở duyên hải cũng đang bị thu hẹp, đặc biệt tại châu Á, với tỷ lệ 1,6% mỗi năm.

Đầm lầy là một nguồn cung cấp nước sinh hoạt và bảo vệ con người khỏi bão và lũ lụt. Ngoài ra, đầm lầy còn là nơi "chôn tự nhiên" khí thải cácbon điôxít (CO2) gây hiệu ứng nhà kính làm khí hậu Trái Đất nóng lên. Đây cũng là "vườn ươm" các loài cá. Vì vậy, diện tích đầm lầy thu hẹp đang đe dọa sức khỏe của con người trong bối cảnh ngày càng khan hiếm nước./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục