Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam qua con mắt 'người trong cuộc'

Có thể thấy, sau khi Luật Du lịch 2017 chính thức có hiệu lực với nhiều đổi mới, chưa bao giờ, điều kiện để hành nghề hướng dẫn lại thắt chặt đến vậy, khiến không ít “người trong cuộc” hoang mang.
Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam qua con mắt 'người trong cuộc' ảnh 1Du khách Việt thường chuộng du lịch tâm linh dịp đầu Xuân. (Ảnh: Như Nam/VietnamPlus)

Luật Du lịch năm 2017 đã được Quốc hội thông qua cuối năm 2017 với nhiều điểm mới, bổ sung, và chính thức có hiệu lực từ năm 2018, trong đó nhiều điều chỉnh dành cho đội ngũ hướng dẫn viên. Có thể thấy, chưa bao giờ, điều kiện để được hành nghề hướng dẫn lại thắt chặt đến vậy.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành du lịch lại cho rằng, đây là bước chuyển cần thiết và quan trọng để quản lý chặt hơn cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch ở Việt Nam vốn bị buông lỏng thời gian dài qua.

[Du lịch Việt thời sơ khai: 'Đi' bằng đồng rúp mậu dịch]

Nhằm giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh và khách quan về “bức tranh” hướng dẫn viên du lịch ở Việt Nam cũng như xu hướng làm du lịch của các nước phát triển hiện nay, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi bàn tròn với những chuyên gia trong ngành.

Hướng dẫn viên làm nghề với nhiều động cơ…

- Người làm nghề du lịch, các hướng dẫn viên được ví như đại sứ, cây cầu kết nối những con người ở nhiều vùng văn hoá khác nhau, là người đã đi nhiều nơi trên thế giới, ông/ bà thấy có sự khác nhau thế nào giữa lực lượng hướng dẫn viên Việt Nam với các nước?

Ông Đỗ Đình Cương (Giám đốc Công ty Đào tạo cung ứng nhân lực và Tư vấn du lịch): Thực ra ở nước nào cũng sẽ có hướng dẫn viên giỏi và hướng dẫn viên không giỏi, đó là chuyện bình thường. Nhưng hướng dẫn viên ở các nước dù chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp thì cũng được đào tạo rất khác chúng ta, quan niệm về dịch vụ của họ cũng khác mình.

Tôi lấy ví dụ, một trong những lý do tại sao chất lượng dịch vụ của Việt Nam không tốt, một phần do đào tạo, nhưng chủ yếu do thói quen và ý thức con người. Những năm thời kỳ đầu du lịch ở Việt Nam, việc mất điện với chúng ta là bình thường nhưng với khách nước ngoài đến từ các nước phát triển thì không được phép. Hay ga gối với chúng ta chỉ cần sạch sẽ là được, ố một tí không sao thì với họ phải trắng tinh…

Vấn đề là chúng ta không đặt mình ở vị trí đối tác để hiểu tiêu chuẩn của họ không giống mình. Chúng ta cảm thấy đã làm hơn ở nhà và tưởng như thế ổn rồi, mặc dù thái độ phục vụ tốt thì vẫn bị đánh giá không tốt.

Dịch vụ của chúng ta mới chỉ đang tương đối chuẩn ở những thành phố lớn thôi, nhiều tỉnh hay vùng sâu vùng xa vẫn chưa đạt vì người làm dịch vụ vẫn nghĩ những chuyện đó hết sức bình thường.

Tôi thấy, ở những nước phát triển như Pháp, Mỹ, Anh… nhiều khi hướng dẫn viên của họ hiểu tư duy người Việt Nam hơn cả chúng ta nên có thể hỗ trợ tốt cho khách của họ. Chúng ta nên nhớ một điều, những gì ta nói là ta muốn nói thôi, nhưng cái khách muốn nghe lại không phải như vậy.

Vì thế, vai trò của hướng dẫn viên phía bạn lớn hơn chúng ta rất nhiều so với hướng dẫn của Việt Nam đi ra nước ngoài.

Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam qua con mắt 'người trong cuộc' ảnh 2Ông Đỗ Đình Cương (áo trắng) là một trong số rất ít hướng dẫn viên lứa đầu tiên của Việt Nam, đang giới thiệu về Văn miếu Quốc Tử Giám với du khách nước ngoài. (Ảnh tư liệu từ những năm 1980 do Đỗ Đình Cương cung cấp)

Một trong những nguyên tắc của hướng dẫn viên là phải so sánh cho dễ hiểu, phải gắn với những gì quen thuộc, nếu không tất cả những lời hướng dẫn viên thuyết minh chỉ là khái niệm. Ví dụ, vào bảo tàng giới thiệu về đời Trần thì phải gắn với chiến thắng quân Nguyên Mông…

Tôi nghĩ, điểm yếu nhất của hướng dẫn viên Việt Nam là không biết cách hình thành một bài giới thiệu, thuyết minh tốt. Bản thân nhiều hướng dẫn viên bị lúng túng khi hoàn thiện thông tin và bố cục thông tin thành một bài thuyết minh bài bản.

Bà Vũ Minh Châu (Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ và thương mại Việt Nam-Nhật Bản): Ở góc nhìn còn nhỏ hẹp của mình, tôi nhận thấy hệ thống hướng dẫn viên của Việt Nam chưa được tổ chức chặt chẽ từ khâu đào tạo, kiểm định, bảo vệ quyền lợi cho đến định hướng công việc. Họ đúng là yếu tố vô cùng quan trọng trong các tour du lịch, từ tour trọn gói cho tới dịch vụ hướng dẫn tại điểm đến.

Thực tế cho thấy, đôi khi các dịch vụ khác như di chuyển, lưu trú hay ăn uống chưa thực sự hoàn hảo nhưng nếu có một hướng dẫn viên có năng lực thuyết phục, năng lực dẫn dắt và sự nhiệt huyết trong công việc thì đa phần du khách sẽ lãng quên phần khuyết thiếu của các dịch vụ khác. Ngược lại, hướng dẫn viên non kém và thiếu chuyên nghiệp có thể làm hỏng hoặc mất đi giá trị của các dịch vụ dù là tốt nhất.

Ví dụ như, một món ăn địa phương sẽ ngon và có ý nghĩa hơn rất nhiều nếu trước khi du khách dùng bữa được hướng dẫn viên giải thích về đặc trưng của nó, nguồn gốc nguyên liệu, cách chế biến, gia vị, cách ăn...

Người hướng dẫn viên không chỉ đơn thuần cần có kiến thức về tuyến điểm mà còn cần là nhà ngoại giao, chuyên gia tâm lý thấu hiểu nhu cầu và nguyện vọng của khách hàng, là nhà an ninh đảm bảo an toàn cho du khách và là chuyên gia ngôn ngữ để có thể dùng ngoại ngữ chuyển tải hết những yếu tố trên cho du khách. Nếu đối chiếu với những điều này thì dường như vấn đề đào tạo và kiểm định định kỳ hệ thống hướng dẫn viên của Việt Nam chưa có, hoặc chưa có quy chuẩn chung.

Ngoài ra, có một đặc tính nghề hướng dẫn viên là đa phần họ làm tự do. Thực tế chưa có các tổ chức, cơ quan nào đứng ở vị trí trung tâm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các hướng dẫn viên, hỗ trợ và hướng dẫn họ trong quá trình làm nghề.

Mọi sự so sánh đều trở nên khập khiễng vì ở mỗi đất nước, với chính sách, luật lệ khác nhau sẽ mang lại hiệu quả khác nhau cho các hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, hướng dẫn viên Việt Nam cần nhiều hơn nữa sự quan tâm đầu tư của các cơ quan ban ngành liên quan, để họ trở thành một tác nhân quan trọng trong việc nâng ngành du lịch Việt Nam lên trở thành “con gà đẻ trứng vàng” trong tương lai.

Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam qua con mắt 'người trong cuộc' ảnh 3Hướng dẫn viên Việt Nam hỗ trợ phiên dịch thuyết minh viên người Nhật ở một ngôi đền tại Ibaraki. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ông Phùng Quang Thắng (Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam): Việt Nam đang trong quá trình phát triển kinh tế, nên quan niệm về việc làm, về nghề của mọi người còn khác nhau. Với tôi, tôi quan điểm, nghề gì cũng được miễn mình làm tốt nghề trước.

Có một bộ phận hướng dẫn viên hiện nay chỉ coi đây là nghề tạm thời, vì thấy nghề này có vẻ như có thu nhập tốt nhất trong các nghề trong ngành du lịch. Câu chuyện ở đây sẽ là tính yêu nghề.

Hướng dẫn viên ở các nước du lịch phát triển xác định rất rõ vị trí nghề của họ và chăm chút cho nghề nghiệp, quan tâm trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề. Ở mình, đa số hướng dẫn viên cũng làm được điều đó nhưng động cơ và mục tiêu có thể sẽ có khác biệt nào đấy tùy người.

Hướng dẫn viên có nhiều nguồn thu nhập, như thu nhập từ tiền công, tiền típ của khách, tiền môi giới bán hàng… vì thế có nhiều động cơ ảnh hưởng đến công việc, dễ khiến người hướng dẫn phân tâm.

Hướng dẫn viên Việt Nam, những ai đi hướng dẫn cho khách châu Âu, châu Mỹ, Australia là những đối tượng khách thích tìm hiểu về văn hóa, lịch sử… thì lại rất tốt và chuyên nghiệp cũng ở tầm quốc tế. Ngoài ra, thực tế có nhiều hướng dẫn viên chỉ biết dẫn đường dẫn lối chứ không có nhiều thông tin, kiến thức cho khách.

Nhưng trong giai đoạn tăng trưởng “nóng” của ngành du lịch như hiện nay, chúng ta cũng cần có thời gian mới khắc phục được những thiếu hụt trong đội ngũ hướng dẫn viên.

Để đào tạo được một hướng dẫn viên lành nghề đâu phải nhanh, họ cần có thời gian mới đủ kỹ năng và kiến thức. Các em học xong nghiệp vụ cũng phải trải nghiệm 2-3 năm mới gọi là có đủ thực tế để vững nghề.

Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam qua con mắt 'người trong cuộc' ảnh 4(Ảnh: Như Nam/Vietnamplus)

Thời của du lịch mở…

- Theo ông/bà, xu hướng làm du lịch của những nước phát triển hiện đang theo cách nào, liệu có bỏ quá xa so với Việt Nam?

Bà Vũ Minh Châu (Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ và thương mại Việt Nam-Nhật Bản): Ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản hiện đang phát triển du lịch theo hướng mở, lấy du khách làm trung tâm để định hướng phát triển du lịch cho từng vùng, phù hợp với từng đối tượng khách. Bên cạnh đó, họ cũng không quên giữ gìn bản sắc của mình.

Đến Mỹ chẳng hạn, bạn sẽ thấy có khá ít công ty du lịch. Các dịch vụ du lịch đều vô cùng dễ tiếp cận trên mạng internet, khả năng cung cấp dịch vụ của họ phong phú do lợi thế tài nguyên du lịch giàu có khiến du khách ít khi rơi vào tình trạng mắc kẹt.

Hơn nữa, cũng phải kể đến độ chuyên nghiệp của du khách đến từ các nước phát triển, vì họ đã có quá trình du lịch lâu dài, trải nghiệm đa dạng nên dày dạn kinh nghiệm. Họ biết dùng tiền vào đúng chỗ, đúng thời điểm để mang lại hiệu quả cao nhất.

Nhật Bản thì trái lại, mặc dù phát triển du lịch nội địa và nước ngoài từ khá lâu nhưng họ vẫn còn trung thành với các tour du lịch trọn gói. Còn rất đông đảo và đa dạng các công ty du lịch là minh chứng cho điều đó.

Với đặc trưng về tính nguyên tắc, chuẩn mực và tuyệt đối, Nhật Bản vô cùng chặt chẽ trong quá trình phát triển du lịch, từ việc gìn giữ bản sắc, gìn giữ môi trường cho đến đào tạo con người.

Tôi từng đến những vùng nông thôn xa xôi của Nhật Bản và tham gia tour du lịch homestay, những người làm du lịch ở đây 100% là những nông dân địa phương được đào tạo kỹ lưỡng để làm du lịch.

Do đó, những nông dân làm du lịch này mang lại nhiều trải nghiệm thực sự đặc biệt cho các du khách đang tìm kiếm hơi thở cuộc sống nông thôn mà có khi những hướng dẫn viên chuyên nghiệp chưa chắc đã làm được.

Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam qua con mắt 'người trong cuộc' ảnh 5Hướng dẫn viên giới thiệu về Văn Miếu, điểm đến không thể thiếu với du khách quốc tế mỗi khi đặt chân đến thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Nhìn lại xu hướng phát triển du lịch ở Việt Nam, không khó để thấy vô cùng nhiều quan ngại từ việc định hướng phát triển du lịch cho từng địa phương, đào tạo con người cho đến giữ gìn bản sắc.

Có lẽ, những nhận xét của du khách kiểu như: "ôi, chỗ ấy bây giờ khác lắm rồi," "thương mại hóa hết rồi"... là minh chứng rõ nhất cho những lỗ hổng trong quản lý và phát triển du lịch ở Việt Nam. Một ngành du lịch thiếu định hướng sẽ kéo theo xu hướng phát triển du lịch mông lung và không bền vững.

Bà Trần Việt Hương (Giám đốc Trung tâm Điều hành Hướng dẫn viên Việt Nam): Theo tôi, xu hướng làm du lịch chung hiện nay là linh hoạt, tận dụng tối đa yếu tố công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Có thể nhìn thấy qua việc các công ty nước ngoài vào Việt Nam đầu tư cho mảng F&E [Food and BeverageService: bộ phận nhà hàng và quầy uống trong khách sạn - PV] và các mạng bán trực tuyến rất nhiều.

Các công ty Việt Nam lúng túng và chuyển đổi khá chậm trên sân nhà, đây là điểm yếu của chúng ta, hạn chế về tài chính và công nghệ.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông/bà.

Theo quy định của Luật Du lịch năm 2017, hướng dẫn viên chỉ được hành nghề khi đáp ứng đủ cả 3 điều kiện sau:

1. Có thẻ hướng dẫn viên du lịch.
2. Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa.
3. Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; Đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục