Nhà sản xuất một bộ phim tài liệu ủng hộ việc khai thác dầu khí dùng kỹ thuật thủy lực bẻ gãy (fracking) đã tố cáo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có hành động kiểm duyệt, sau khi tổ chức này không chiếu một đoạn video quan trọng trong bộ phim của ông tại một cuộc hội thảo. Phelim McAleer, người làm phim "FrackNation" ủng hộ kỹ thuật khai thác gây tranh cãi, nói rằng IMF đã sợ "chọc giận Nga" thông qua việc chiếu phim của ông tại hội nghị diễn ra trong tuần này. Đoạn phim có nói rằng việc cho phép sử dụng kỹ thuật fracking ở một số nước Đông Âu như Ba Lan có thể giúp giảm sự lệ thuộc của khu vực vào năng lượng nhập khẩu. Phim cho rằng các nước xuất khẩu khí đốt lớn như Nga đang bơm tiền cho các phong trào chống lại fracking để bảo vệ hoạt động bán khí đốt của mình. "Về cơ bản, họ đang kiểm duyệt những gì tôi muốn thuyết trình, họ đang kiểm duyệt phát ngôn của tôi. Họ đang cố buộc người ta không nói những điều tệ hại, bởi hành động này có thể khiến một trong các thành viên cao cấp của họ phản ứng" - ông Phelim McAleer nói với AFP - "Họ không muốn chọc giận Nga." McAleer đã được mời tới thuyết trình trong bữa ăn trưa diễn ra hôm 20/3, ngày đầu tiên trong hội nghị diễn ra hai ngày do IMF và Đại học Oxford tổ chức ở Washington về giá hàng hóa. Tuy nhiên ông đã quyết định không tham dự sau khi IMF viết trong tư điện tử rằng quỹ không cho phép chiếu đoạn video về Nga và Ba Lan khi chưa có ý kiến của các nước này." IMF nói rằng quỹ hoan nghênh sự hiện diện của McAleer, ngoại trừ bộ phim của ông. McAleer đã gọi lý do mà IMF nêu ra là "vớ vẩn." Ông nói rằng vụ việc khiến ông bị sốc, bởi một cuộc hội thảo nên là nơi để trao đổi ý kiến. Theo ông, nếu fracking được đẩy mạnh ở Đông Âu, nhà xuất khẩu khí đốt Gazprom của Nga sẽ mất nhiều tiền. Và ông nói rằng Gazprom là thứ đang giúp Nhà nước Nga tiếp tục vận hành.
Tòa nhà trụ sở Grazprom tại Nga (Nguồn: AFP)
Ông giữ quan điểm rằng IMF không cho chiếu đoạn video vì không muốn chọc giận Nga. Ngày 21/3, một phát ngôn viên IMF đã bảo vệ quyết định của quỹ. Phát ngôn viên này nói rằng việc chiếu đoạn video tại một sự kiện công khai do một tổ chức quốc tế tổ chức sẽ cần phải xin ý kiến của các bên liên quan. Nhưng do việc xin ý kiến không thục hiện được nên McAleer đã nói rằng ông muốn hủy bỏ bài phát biểu của mình. Phim tài liệu của McAleer lần đầu được chiếu trên các kênh truyền hình cáp của Mỹ trong tháng Một năm nay và tờ New York Times xem đây là một bộ phim tài liệu đã "được nghiên cứu có phương pháp cẩn thận." McAleer làm phim từ số kinh phí hơn 200.000 USD quyên được qua trang web gây quỹ Kickstarter./.
Linh Vũ (Vietnam+)