Ngày 18/3, Chính phủ Indonesia cho biết đang hoàn thiện gói kích thích thứ 3 với tổng trị giá 27.000 tỷ rupiah (khoảng 1,8 tỷ USD) dành cho hệ thống chăm sóc y tế.
Theo đó, Chính phủ Indonesia sẽ tái phân bổ 10.000 tỷ rupiah từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho các bộ, ban, ngành trung ương và 17.200 tỷ rupiah từ nguồn ngân quỹ dành cho các chính quyền địa phương.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết gói kích thích thứ 3 sẽ ưu tiên cho chăm sóc y tế, bao gồm nhu cầu của các bệnh viện và thiết bị y tế, đồng thời cung cấp cho người dân một mạng lưới an toàn xã hội.
Gói kích thích này sẽ giúp các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương xử lý ngay những vấn đề liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong khuôn khổ của một kế hoạch rộng lớn hơn nhằm giảm thiểu các tác động của dịch bệnh.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Indonesia hiện vẫn đang đánh giá phạm vi, cơ chế và mục tiêu của gói kích thích thứ ba.
Bộ trưởng Indrawati cũng cho biết tăng trưởng kinh tế của Indonesia dự kiến sẽ giảm xuống khoảng 4,5-4,9% trong quý 1 này và có thể sẽ tiếp tục lao dốc trong quý 2 tới, trong bối cảnh các hoạt động kinh tế bị suy yếu.
[COVID-19: Indonesia thêm 55 ca nhiễm, Philippines đã có 17 ca tử vong]
Theo Bộ trưởng Indrawati, các hộ gia đình và các cá nhân thu nhập thấp làm việc trong khu vực phi chính thức sẽ được hỗ trợ tài chính.
Trước đó, ngày 25/2 vừa qua, Chính phủ Indonesia đã công bố gói kích thích kinh tế thứ nhất trị giá 10.300 tỷ rupiah nhằm kích thích tiêu dùng và ngành du lịch.
Gói kích thích thứ 2 trị giá 22.900 tỷ rupiah được tung ra hôm 11/3 vừa qua, tập trung vào việc cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tính đến ngày 18/3, Indonesia đã ghi nhận 227 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 19 ca tử vong. Nước này hiện đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số ca tử vong và đứng đầu thế giới về tỷ lệ tử vong với 8,37% do dịch COVID-19.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati ngày 18/3 cho biết, tăng trưởng kinh tế quý 1 này của nước này có thể chỉ đạt từ 4,5-4,9% và sẽ tiếp tục giảm trong quý 2 tới, do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Mặc dù, tăng trưởng kinh tế tính đến tuần thứ 2 của tháng Ba này đã đạt 4,9%, song hai tuần cuối tháng này có thể kéo tụt tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khi mọi hoạt động kinh tế đang bị dừng lại và lượng khách du lịch quốc tế đến Indonesia cũng giảm sút do dịch COVID-19.
Cũng theo bà Sri Mulyani, tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Indonesia là rất đáng kể, vì vậy tăng trưởng trong quý 2 tới sẽ bị áp lực và Bộ Tài chính sẽ thận trọng trong việc đánh giá, dự báo tăng trưởng cho cả năm 2020.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2020, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó đó được đưa ra vào tháng 11/2019./.