Indonesia và Mỹ đạt được thỏa thuận mua lại trị giá 60 tỷ USD

Dự trữ ngoại hối của Indonesia đã giảm 9,4 tỷ USD vào tháng trước xuống còn 121 tỷ USD, khi BI tăng cường can thiệp thị trường nhằm ổn định tỷ giá đồng rupiah với đồng USD.
Indonesia và Mỹ đạt được thỏa thuận mua lại trị giá 60 tỷ USD ảnh 1Thống đốc Ngân hàng Indonesia Perry Warjiyo nói chuyện với báo chí ở Jakarta. (Nguồn: thejakartapost.com)

Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) ngày 7/4 đã đạt được thỏa thuận mua lại (repo) trị giá 60 tỷ USD với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm tăng nguồn cung thanh khoản USD, trong bối cảnh dự trữ ngoại hối của nước này giảm mạnh do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo công bố, dự trữ ngoại hối của Indonesia đã giảm 9,4 tỷ USD vào tháng trước xuống còn 121 tỷ USD, khi BI tăng cường can thiệp thị trường nhằm ổn định tỷ giá đồng rupiah với đồng USD trước làn sóng rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến vào đêm 7/4, Thống đốc BI Perry Warjiyo nhấn mạnh: “Đây sẽ là tuyến phòng thủ thứ hai ngoài các giao dịch hoán đổi tiền tệ song phương trong trường hợp Indonesia cần thanh khoản bằng USD." Ông cho rằng mức dự trữ ngoại hối hiện tại là “đủ” cho những lần can thiệp thị trường sắp tới và BI sẽ sử dụng tuyến phòng thủ thứ hai nếu cần thiết.

Thống đốc Perry cho hay Fed chỉ mới có thỏa thuận tương tự với một vài quốc gia mới nổi, trong đó có Indonesia và đây là “cuộc bỏ phiếu tín nhiệm” đối với triển vọng kinh tế của Indonesia.

[Indonesia phát hành 27 tỷ USD trái phiếu chính phủ để đối phó COVID-19]

Hiện BI đã có thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương trị giá 30 tỷ USD với Trung Quốc, 22,7 tỷ USD với Nhật Bản, khoảng 7 tỷ USD với Singapore và một khoản tiền không được tiết lộ với Australia và các ngân hàng trung ương khác nhằm tạo “bộ đệm” cho nền kinh tế quốc gia trong cuộc chiến chống COVID-19.

Ngoài ra, BI cũng đã ký thỏa thuận repo trị giá 2,5 tỷ USD với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế và 3 tỷ USD với Cơ quan Tiền tệ Singapore.

Trong ba tháng đầu năm 2020, đồng rupiah đã giảm khoảng 15% giá trị so với đồng USD khi các nhà đầu tư rút tiền khỏi các thị trường mới nổi và tìm tới các tài sản trú ẩn an toàn, gây ra tình trạng thiếu thanh khoản bằng đồng USD. Ngày 7/4, đồng nội tệ của Indonesia đã tăng giá 1,3% lên mức 16.200 rupiah/USD.

Trong một nghiên cứu mới đây, nhà kinh tế trưởng Andry Asmoro của Ngân hàng Mandiri cho rằng nguy cơ lớn hơn đối với dự trữ ngoại hối của Indonesia chủ yếu do COVID-19. Đại dịch này gây ra tình trạng bất ổn trên thị trường tài chính, khiến các nhà đầu tư bán tháo tài sản của Indonesia và trì hoãn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia này do chuỗi giá trị toàn cầu đã bị tổn hại nghiêm trọng.

Ngoài ra, COVID-19 cũng đang gây suy thoái kinh tế toàn cầu, từ đó làm giá hàng hóa giảm, kéo theo gián đoạn hoạt động xuất khẩu cũng như ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực du lịch của Indonesia.

Ông Andry cho rằng thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia sẽ tăng lên tương đương 2,88% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nếu đại dịch trở nên tồi tệ hơn, cán cân thanh toán của Indonesia trong năm 2020 sẽ bị thâm hụt rất lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục