Kế hoạch B cho đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran

Mặc dù khôi phục JCPOA là lựa chọn tốt nhất để ngăn chặn cuộc khủng hoảng hạt nhân song khả năng tính toán sai lầm và thời gian đàm phán không còn nhiều, đòi hỏi các bên phải suy nghĩ về kế hoạch B.
Kế hoạch B cho đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran ảnh 1Toàn cảnh cuộc đàm phán giữa đại diện các cường quốc và Iran nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân JCPOA tại Vienna, Áo ngày 20/4. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Theo bà Kelsey Davenport, Giám đốc chương trình nghiên cứu Chính sách Không phổ biến Vũ khí thuộc Viện nghiên cứu Liên quân Hoàng gia Anh, đối mặt với rủi ro các cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 có nguy cơ sụp đổ, Mỹ và các bên ký kết khác sẽ có vai trò rất quan trọng nhằm phát triển một kế hoạch B.

Những tuyên bố gần đây của Tehran báo hiệu tân Tổng thống Ebrahim Raisi sẽ từ chối những tiến bộ mà người tiền nhiệm đã đạt được cùng với việc Mỹ cảnh báo cánh cửa ngoại giao sẽ không mở vô thời hạn đã làm dấy lên lo ngại rằng nỗ lực khôi phục sự tuân thủ của Mỹ và Iran đối với thỏa thuận có thể thất bại.

Mặc dù khôi phục JCPOA là lựa chọn tốt nhất để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng hạt nhân và giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt đối với Iran, song khả năng tính toán sai lầm và thời gian cho đàm phán không còn nhiều, đòi hỏi các bên tham gia phải suy nghĩ về một kế hoạch B.

Tác động của việc phổ biến vũ khí hạt nhân

Nếu các cuộc đàm phán hiện nay nhằm khôi phục JCPOA thất bại, nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân là rất lớn. Mặc dù Tehran khó có khả năng công khai theo đuổi vũ khí hạt nhân trong kịch bản đó, nhưng có thể nước này sẽ tiếp tục thực hiện các bước để tăng đòn bẩy và đáp trả bất kỳ leo thang nào.

Thứ nhất, thời gian cần thiết để Iran sản xuất vũ khí hạt nhân sẽ rút ngắn lại. Trước đây, khi Iran tuân thủ đầy đủ JCPOA, khoảng thời gian để nước này có thể sản xuất đủ nguyên liệu hạt nhân nhằm chế tạo một quả bom hạt nhân là khoảng 12 tháng; tuy nhiên, do Iran vi phạm thỏa thuận nên khoảng thời gian này hiện chỉ còn khoảng từ 1-2 tháng.

Con số này có thể sẽ còn giảm hơn nữa khi kho dự trữ urani làm giàu 20% của Iran ngày càng tăng và nước này lắp đặt các máy ly tâm IR-6 mới hiệu quả hơn.

[Ngoại trưởng Iran: Sẽ sớm nối lại đàm phán về khôi phục JCPOA]

Iran có thể cũng thực hiện các bước khác để giảm thời gian chế tạo bom nguyên tử, chẳng hạn như mở rộng khả năng làm giàu 60% và sử dụng các máy ly tâm thế hệ mới để làm giàu urani.

Thứ hai, việc đánh giá năng lực chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran hiện sẽ khó khăn hơn do nước này hạn chế khả năng tiếp cận của các thanh sát viên thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Sau khi Iran đình chỉ việc giám sát theo yêu cầu của JCPOA, IAEA hiện chỉ có thông tin chi tiết về một số hoạt động nhất định của Iran. Việc thiếu thông tin thông qua xác minh cũng có khả năng làm dấy lên suy đoán rằng Iran đang tham gia các hoạt động bất hợp pháp, điều này có thể làm leo thang căng thẳng và tác động tiêu cực đến bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào trong tương lai.

Thứ ba, các kinh nghiệm mà Tehran thu được từ các hoạt động hạt nhân mới cũng sẽ thách thức các đánh giá về nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân của Iran.

Trong năm qua, Iran đã làm giàu thành công urani lên một ngưỡng mới, ở mức 60% và chỉ kém cấp độ vũ khí, ở mức 90%. Iran cũng đang tham gia các hoạt động sản xuất kim loại urani, lĩnh vực mà trước đây Iran chưa có nhiều kinh nghiệm.

Nếu Iran tiếp tục theo đuổi các hoạt động này, việc làm chủ được nhiều quy trình hơn có thể khiến Tehran lựa chọn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, do một loạt hoạt động liên quan đến vũ khí khác hiện bị cấm theo JCPOA, Iran có thể theo đuổi dưới chiêu bài hạt nhân dân sự hoặc cho các mục đích quân sự phi hạt nhân.

Những yếu tố trên khiến vấn đề Iran leo thang căng thẳng trong ngắn hạn và làm tăng nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công quân sự hoặc các cuộc tấn công gây rối nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Cả Mỹ và Israel đều đe dọa sử dụng vũ lực để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, mặc dù bất kỳ hành động sử dụng vũ lực nào cũng có thể phản tác dụng về lâu dài. Iran thường phản ứng trước các cuộc tấn công bằng cách tăng cường các hoạt động hạt nhân của họ.

Một cuộc tấn công quy mô lớn hơn cũng có thể khiến Tehran cân nhắc từ bỏ các cam kết tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và theo đuổi vũ khí hạt nhân nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo.

Các lựa chọn cho Kế hoạch B

Trước nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, Mỹ và các nước còn lại trong nhóm P5 + 1 (gồm Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh và Đức), phải có kế hoạch B nếu đàm phán khôi phục JCPOA thất bại.

Trong kịch bản đó, có khả năng Mỹ và châu Âu sẽ xem xét tăng áp lực trừng phạt và cô lập, cùng với các hành động ngoại giao. Tuy nhiên, chiến lược này sẽ gặp nhiều thách thức và tốn nhiều thời gian để sửa đổi dù chỉ một phần. Mỹ bị chỉ trích chính đáng vì các biện pháp trừng phạt quá mức; sự tín nhiệm của Mỹ bị suy giảm nghiêm trọng do chính quyền Donald Trump quyết định rút khỏi JCPOA trong khi Iran đang tuân thủ thỏa thuận.

Tân Tổng thống Iran Raisi cũng tỏ ra ít quan tâm đến quan hệ với phương Tây. Chiến lược này thậm chí còn trở nên thách thức hơn nếu không có sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc, do quan hệ kinh tế và có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn với Iran. Mặc dù cả hai đều tích cực ủng hộ khôi phục JCPOA, vẫn chưa rõ Nga và Trung Quốc sẽ đứng ở đâu nếu những nỗ lực đó thất bại.

Sự ủng hộ của hai nước này có thể phụ thuộc vào cách các cuộc đàm phán sụp đổ. Nếu Iran được coi là tác nhân không kiên nhẫn và tìm cách đàm phán lại tiến độ đạt được trước khi các cuộc đàm phán bị đình trệ hồi tháng 6, Nga và Trung Quốc có thể có xu hướng ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm gây áp lực buộc Iran nối lại đàm phán.

Tuy nhiên, nếu họ cho rằng Mỹ và E3 (Anh, Pháp và Đức) đang thực hiện các hành động cản trở tiến độ khôi phục JCPOA, việc họ ủng hộ chiến lược gia tăng trừng phạt sẽ ít có khả năng xảy ra.

Một lựa chọn tốt hơn sẽ là xoay quanh các cuộc đàm phán để khôi phục JCPOA theo cách hướng tới các cuộc đàm phán về một “thỏa thuận tạm thời” hoặc “thỏa thuận tượng trưng” nhằm giảm bớt các hoạt động nhạy cảm về phổ biến vũ khí hạt nhân từ phía Iran để đổi lấy một số biện pháp nới lỏng trừng phạt nhất định.

Điều này có thể bao gồm việc Iran thực hiện các bước để khôi phục một số hoạt động giám sát, đình chỉ việc làm giàu urani trên 5%, và đình chỉ phát triển máy ly tâm tiên tiến và kim loại urani.

Đổi lại, Iran có thể nhận được một số nới lỏng trừng phạt hạn chế trong các lĩnh vực sẽ nhanh chóng mang lại lợi ích, chẳng hạn như dỡ bỏ phong tỏa tài sản tài chính và cho phép xuất khẩu dầu, và nối lại hợp tác hạt nhân.

Những hành động này có thể được thực hiện dựa trên nhận thức rằng việc ổn định tình hình hiện tại để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng sẽ tạo thời gian cho một cuộc đàm phán mới.

Đàm phán một thỏa thuận như vậy sẽ rất phức tạp, nhưng nó sẽ khôi phục ý định của JCPOA, giải quyết những thiếu sót và giảm khả năng xảy ra xung đột./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục