Khẩn trương hoàn thiện mô hình bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, hiện Bộ Xây dựng đã xây dựng cơ chế, quy trình xây dựng bệnh viện dã chiến theo các cấp Trung ương và địa phương.
Bệnh viện dã chiến chống dịch Covid-19 tại thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Bệnh viện dã chiến chống dịch Covid-19 tại thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 13/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chủ trì cuộc họp với các Bộ: Quốc phòng, Y tế, Khoa học và Công nghệ cùng một số đơn vị liên quan để triển khai chỉ đạo của Chính phủ về phương án xây dựng bệnh viện dã chiến cho tình huống khẩn cấp dịch COVID-19.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh các yêu cầu cụ thể về quy mô, tính chất, cơ cấu, tổ chức hoạt động, thời gian xây dựng, thời gian sử dụng của bệnh viện dã chiến để đưa ra mô hình phù hợp.

Theo đó, các bộ, ngành và các đơn vị tham gia cần đề xuất giải pháp, phương án kỹ thuật phù hợp từ việc lựa chọn địa điểm, quy mô, thiết kế, thi công lắp đặt, cung cấp vật tư trang thiết bị để đáp ứng nhanh nhất yêu cầu đặt ra.

Thậm chí, cần thiết lựa chọn một số địa điểm để có thiết kế cụ thể; thực hiện giả định diễn tập; đặt hàng chế biến sẵn một số vật liệu thiết bị đặc thù…

[Bệnh viện dã chiến Mê Linh sẵn sàng điều trị bệnh nhân COVID-19]

Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, hiện Bộ Xây dựng đã xây dựng cơ chế, quy trình xây dựng bệnh viện dã chiến theo các cấp Trung ương và địa phương.

Việc xây mới hay cải tạo lại công trình đều tuân thủ theo các quy định tại Luật Xây dựng và pháp luật liên quan nhưng phải bảo đảm thời gian thực hiện ngắn nhất.

Bộ cũng đã lập danh sách cụ thể các tổng thầu, nhà cung ứng vật tư, vật liệu có sẵn tiềm lực, kinh nghiệm ở cả 3 miền để sẵn sàng vào việc.

Theo ý kiến của đại diện Bộ Quốc phòng, mục tiêu xây dựng bệnh viện dã chiến là nhanh nhất, thuận tiện nhất nên phải có thiết kế phù hợp cho các địa hình.

Đơn cử như việc lắp ghép, xây dựng công trình tại khu vực miền núi thì cần có thiết kế và vật liệu xây dựng sử dụng phù hợp.

Đặc biệt, các phương án thiết kế phải căn cứ theo tiêu chuẩn trang thiết bị y tế để phù hợp khi đưa vào vận hành như: hành lang đáp ứng việc di chuyển cáng, giường bệnh; bố trí khu kỹ thuật; vách ngăn giữa các phòng phải bảo đảm tránh truyền nhiễm… từ đó, đưa ra thông số kỹ thuật, giải pháp thích hợp.

Khẩn trương hoàn thiện mô hình bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 ảnh 1Một khu bệnh viện dã chiến tăng cường, sẵn sàng khi có trường hợp cấp bách. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng, mục tiêu của bệnh viện dã chiến là tiếp nhận, chăm sóc cho các bệnh nhân nhẹ (chiếm khoảng 80% khi có dịch) còn bệnh nhân nặng sẽ đưa vào các bệnh viện cần máy móc thiết bị hiện đại nên quy mô 1.000 giường sẽ bảo đảm đáp ứng được khâu hậu cần.

Đây là căn cứ để xác định được quy mô cũng như phương án xây dựng bệnh viện dã chiến.

Vì là bệnh truyền nhiễm nên bệnh viện dã chiến phải bảo đảm sự thông thoáng, khi nhiệt độ lên trên 35 độ C vẫn có thể sử dụng được; cần bố trí khu hồi sức cấp cứu, khu diệt trùng…

Đối với bệnh viện xây mới nên linh hoạt, có thể tháo dỡ được, Bộ Y tế lưu ý.

Ngay sau cuộc họp này, các đơn vị được giao nhiệm vụ của Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đưa ra lộ trình thực hiện đề án; nhanh chóng hoàn thiện thiết kế điển hình với các giải pháp cụ thể.

Sẽ có giai đoạn thực nghiệm làm công trình theo cả 2 phương án gồm xây dựng mới và cải tạo lại công trình để báo cáo Chính phủ ngay trong tháng 4 này, Thứ trưởng Lê Quang Hùng khẳng định.

Theo chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện Đề án nghiên cứu, đề xuất mô hình bệnh viện dã chiến điều trị bệnh truyền nhiễm.

Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ đưa ra thiết kế điển hình cho xây dựng bệnh viện dã chiến về quy mô, tính chất, cơ cấu, tổ chức hoạt động cũng như phương án cụ thể về dự toán xây dựng; giải pháp kỹ thuật xây dựng; hình thức xây dựng khác nhau gồm xây  mới hoặc cải tạo công trình sẵn có như sân vận động, nhà thi đấu, hội trường, cơ sở giáo dục…, bảo đảm đáp ứng công năng theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Kế hoạch huy động các đơn vị có uy tín, kinh nghiệm đã sẵn sàng nhằm đảm bảo nhân lực, phương tiện, nguyên vật liệu… để có thể triển khai nhanh chóng ngay khi có yêu cầu, đảm bảo an toàn, hiệu quả về kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục