Kiên Giang: Giá trị trường tồn của Lễ hội Đình Thần Nguyễn Trung Trực

Lễ hội Đình Thần Nguyễn Trung Trực được tổ chức hằng năm vào ngày 26-28/8 âm lịch tại Đình Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá với nhiều hoạt động phong phú mang đậm bản sắc văn hóa phương Nam.
Kiên Giang: Giá trị trường tồn của Lễ hội Đình Thần Nguyễn Trung Trực ảnh 1Đình thần Nguyễn Trung Trực tại thành phố Rạch Giá. (Nguồn: Báo Tuổi trẻ)

Tại Kiên Giang, ít có người dân nào không biết đến Nguyễn Trung Trực - người Anh hùng dân tộc nổi tiếng với câu nói “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây" và là người gắn liền với lịch sử chống thực dân Pháp của vùng đất Nam Bộ này.

Và mỗi năm, người dân lại nô nức về thắp hương và tham gia lễ hội tưởng nhớ người anh hùng áo vải này tại các đền thờ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, như một sinh hoạt văn hóa truyền thống. Đặc biệt nổi bật trong số các đền thờ này là Đình Thần Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, với Lễ hội Đình được tổ chức vào tháng 8 hàng năm, không chỉ trở thành điểm đến của người dân địa phương mà đã trở thành nơi tưởng nhớ Nguyễn Trung Trực của đông đảo khách thập phương.

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực sinh năm 1838, tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, còn gọi là Quản Lịch, Quản Chơn, ông sinh ra và lớn lên trong thời điểm lịch sử nước nhà đứng trước thảm họa bị thực dân Pháp xâm lược.

Với lòng yêu nước nồng nàn, người thanh niên dân chài Nguyễn Trung Trực đã tham gia vào lực lượng nghĩa quân của Trương Định hoạt động ở vùng Gò Công.

[Kiên Giang tưởng niệm 153 năm anh hùng Nguyễn Trung Trực hy sinh]

Năm 1861, Nguyễn Trung Trực trở thành thủ lĩnh của nghĩa quân khi tuổi đời còn rất trẻ, lãnh đạo nghĩa quân lập chiến công vang dội, đốt cháy và làm chìm tàu Espérance của quân Pháp trên sông Nhựt Tảo.

Ngày 16/6/1868, Nguyễn Trung Trực tổ chức đánh úp và làm chủ một tuần lễ tại đồn Kiên Giang, diệt toàn bộ quân địch và tên chủ tỉnh. Chiến thắng hiển hách này làm bàng hoàng quân Pháp.

Sau đó, giặc Pháp tập trung quân từ Vĩnh Long kéo về chiếm lại đồn, trấn áp nghĩa quân. Do lực lượng quá chênh lệch, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân rút về Hòn Chông, rồi ra Phú Quốc. Quân Pháp lại đưa quân ra tấn công Phú Quốc, khống chế, khủng bố nhân dân trên đảo, quyết tiêu diệt nghĩa quân.

Trong trận chiến đấu cuối cùng, Nguyễn Trung Trực bị giặc bắt, dùng hết lời khuyến dụ, mua chuộc nhưng không thể nào khuất phục được.

Trước khi bị giặc bắt đem đi hành hình, Nguyễn Trung Trực đã khảng khái nói: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây.” Câu nói khí phách bất hủ của Anh hùng dân tộc đã được ghi vào sử sách, hun đúc lòng yêu nước, ý chí quật khởi, kiên cường chống giặc ngoại xâm của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Sau khi Nguyễn Trung Trực hy sinh, nhân dân nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long đã lập đền thờ ông, trong đó lớn nhất và nổi tiếng nhất là Đình Thần Nguyễn Trung Trực ở đường Nguyễn Công Trứ, phía Tây trung tâm thành phố Rạch Giá. Ngôi đình đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, ngày 22/3/1998.

Trước kia đình chỉ là một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, mái lợp lá, do ngư dân trong vùng dựng lên để thờ thần Nam Hải. Qua nhiều lần sửa chữa, mở rộng đến nay ngôi đình đã trở nên khang trang, bề thế.

Ngôi đình có kiến trúc xây dựng theo kiểu chữ Tam, gồm Chánh điện, Tây Lang và Đông Lang. Cổng đình có ba cửa, giống cổng tam quan. Cột, kèo bằng bêtông, mái lợp ngói ống. Mái đình trang trí cảnh hai rồng tranh ngọc. Góc mái đắp hình lá cúc cách điệu, các mảng phù điêu bằng ximăng cẩn những mảnh gốm nhiều màu.

Kiên Giang: Giá trị trường tồn của Lễ hội Đình Thần Nguyễn Trung Trực ảnh 2Lễ dâng hương tưởng niệm 154 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang)

Cửa đình có hai cột đắp nổi hình rồng uốn lượn quấn quanh cột từ phía dưới lên trên. Trên nóc đình có bức hoành phi bốn chữ “Anh khí như hồng,” có nghĩa là khí tiết của người anh hùng rực rỡ như cầu vồng bảy sắc.

Hằng năm, từ ngày 26-28 tháng Tám âm lịch, Đình Thần Nguyễn Trung Trực lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ người anh hùng.

Mở đầu Lễ hội Đình Thần Nguyễn Trung Trực (còn gọi là Lễ hội Đình ông Nguyễn) sẽ là các nghi thức đậm bản sắc văn hóa phương Nam như lễ thượng đại kỳ, thỉnh sắc an thần, an vị niệm hương, thỉnh an vị thần, tế quan Phó...

Sau đó, người dân có thể vào đình dâng hương lên ông Nguyễn nhằm bày tỏ lòng thành, đồng thời cầu xin bậc tiền nhân phù hộ những điều may mắn, tốt lành sẽ đến với gia đạo.

Lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động phong phú như đêm hội hoa đăng cầu quốc thái dân an diễn ra trên dòng Sông Kiên trước Đình thờ ông Nguyễn và lễ dâng hương tại Công viên tượng đài Nguyễn Trung Trực (thành phố Rạch Giá).

Trong khuôn khổ Lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động khác như sân khấu không gian Đờn ca tài tử Nam Bộ; trưng bày ảnh nghệ; trình diễn thư pháp, các trò chơi dân gian, biểu diễn Vovinam…

Trải qua hơn 150 năm, Lễ hội Đình Thần Nguyễn Trung Trực đã trở thành lễ hội lớn của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, thu hút hơn 1 triệu lượt khách đến tham dự mỗi năm.

Đối với người dân Kiên Giang, Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực đã trở thành một nhu cầu tinh thần, một hoạt động văn hóa mang tính tâm linh dân gian, tính thuần phong mỹ tục của địa phương, có tác động rất lớn đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân Kiên Giang và Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần vào việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và tăng tính đoàn kết cộng đồng bền chặt.

Ngày 2/2, Lễ hội truyền thống Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục