Năm 2015, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tiếp tục triển khai nhiều chương trình, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến với đảo ngọc Phú Quốc.
Theo đó, Phú Quốc vận dụng linh hoạt cơ chế đặc thù, chính sách ưu đãi vượt trội của Trung ương dành cho kết hợp đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, tăng cường giới thiệu, cung cấp thông tin cần thiết về cơ sở hạ tầng, chính sách, dự án kêu gọi đầu tư vào đảo Phú Quốc.
Chủ động xây dựng chương trình huy động các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư lớn, tiềm lực tài chính mạnh và có uy tín.
Ngoài ra, huyện sẽ tập trung hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung, lập mới quy hoạch chi tiết các khu chức năng phù hợp với điều chỉnh q uy hoạch chung, cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng.
Huyện cũng đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển đảo Phú Quốc; thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, vừa ổn định cuộc sống của người dân, vừa kịp thời giao đất sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Theo Ban quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, năm 2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang cấp 53 giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 4 dự án FDI, tổng vốn gần 65.000 tỷ đồng, với tổng diện tích khoảng 1.400ha.
Hiện trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc có 136 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn 140.215 tỷ đồng, với tổng diện tích hơn 5.000ha.
Những dự án trên đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, thương mại-dịch vụ, khu đô thị, sân bay, cảng biển, giao thông-vận tải, cấp điện, cấp nước, tài nguyên-môi trường, nông- lâm-ngư nghiệp…
Nhiều dự án, công trình trọng điểm đã và đang đầu tư xây dựng, bước đầu đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả như cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, Cảng biển Quốc tế An Thới, Cảng du lịch Bãi Vòng, tuyến cáp ngầm 110KV Hà Tiên-Phú Quốc đưa điện lưới quốc gia ra đảo, hệ thống đường giao thông trục chính Bắc-Nam đảo Phú Quốc và đường quanh đảo.
Trên lĩnh vực du lịch, nhiều dự án, công trình quan trọng quy mô lớn, nhất là nhiều khách sạn cao cấp được các nhà đầu tư tích cực triển khai ở khu du lịch Bãi Trường, Bãi Dài, Bãi Khem, Bãi Sao. Hệ thống nhà hàng, khách sạn đầu tư xây dựng, nâng cấp đạt chuẩn có khả năng phục vụ hơn 7.500 khách lưu trú/ngày.
Đặc biệt, trong năm 2014, tập đoàn Vingroup đưa vào hoạt động quần thể du lịch, nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc, tổng diện tích hơn 300ha, gồm khu khách sạn biệt thự 5 sao với 750 phòng, khu vui chơi giải trí hiện đại và sân golf 27 lỗ tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc, cho biết nhiều dự án, công trình bước đầu khai thác, sử dụng hiệu quả góp phần phát triển trước mắt cũng như về lâu dài cho Phú Quốc.
Năm 2014, kinh tế của huyện phát triển ổn định, GDP tăng gần 27% so với năm 2013; bình quân thu nhập hơn 4.000 USD/người/năm; hơn 586.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 40%, trong đó khách quốc tế trên 124.500 lượt, tăng 32%. Doanh thu từ du lịch đạt 2.228 tỷ đồng, tăng hơn 84% so năm 2013.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang cũng đã thu hồi 23 dự án đầu tư vào đảo Phú Quốc, trong đó có 5 dự án FDI, với tổng diện tích hơn 1.000ha.
Đây là những dự án đã chấp thuận chủ trương, cấp giấy chứng nhận đầu tư từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn “treo” ở điểm xuất phát thấp, không có khả năng triển khai; dự án không còn phù hợp với quy hoạch; tiềm lực tài chính của nhà đầu tư yếu kém và dự án vượt quá thời gian quy định./.