Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, trong 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Italy đã đạt 2,5 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ.
Italy được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khá cao và ổn định của khu vực EU, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu sang các nước khu vực thị trường này gặp nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, thị trường Italy liên tục thể hiện sự ưa chuộng với các mặt hàng của Việt Nam bằng con số kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đều đặn. Từ năm 2005-2011, mức tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Italy luôn dao động ở mức 19%/năm. Đặc biệt, cán cân thương mại đang nghiêng về phía Việt Nam khi Việt Nam liên tục xuất siêu sang thị trường này. Riêng trong 11 tháng qua, con số xuất siêu đã lên đến 1,31 tỷ USD (Italy xuất sang Việt Nam 1,19 tỷ USD).
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Italy đều có mức tăng trưởng khá cao. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất là điện thoại các loại và linh kiện đạt 913,40 triệu USD, tăng 8,86% so với cùng kỳ năm trước, chiếm đến 40% tổng trị giá xuất khẩu. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực thứ hai là giày dép các loại với trị giá 237,85 triệu USD, chiếm 10,4% tổng trị giá xuất khẩu. Đứng thứ 3 là càphê với sản lượng đạt khoảng 105.259 tấn, trị giá 210,67 triệu USD, tăng 50,74% về lượng và tăng 48,38% về trị giá so với cùng kỳ năm trước…
Với kim ngạch tăng trưởng cao trong suốt thời gian qua, Italy hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 18 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 15 của Việt Nam. Italy cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong khối EU.
Bà Raffaella Carabelli, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Dệt Italy (ACIMIT) cho biết, các doanh nghiệp Italy rất quan tâm tới Việt Nam bởi đây là thị trường đang phát triển, có nhiều dư địa hợp tác, nhu cầu tiêu dùng rất cao…
Mặt khác, các doanh nghiệp Italy cũng muốn tìm kiếm các đối tác mới ở khu vực Đông Nam Á thông qua thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực như: dệt may, đồ gỗ, da giày… các doanh nghiệp nước này rất chú trọng tới ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam.
Đặc biệt hơn, ngành công nghiệp dệt may hiện đang phát triển tập trung tại một số khu vực địa lý nhất định. Vì thế, nếu các doanh nghiệp Việt Nam chủ động đón đầu công nghệ và dành những đầu tư xứng đáng cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển thì sẽ thành công.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong ba năm qua, nhiều đoàn doanh nghiệp Italy đã tới Việt Nam để tìm hiểu môi trường đầu tư và cơ hội hợp tác kinh doanh. Gần đây nhất, vào cuối tháng 11, một phái đoàn gồm 100 tổ chức và doanh nghiệp Italy trong các lĩnh vực như cơ khí, năng lượng, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng và giao thông… đã đến nghiên cứu và tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư ở Việt Nam.
Đáng lưu ý, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU đang được đàm phán tích cực và sắp được ký kết dự kiến sẽ mang lại nhiều cơ hội cho thương mại hai chiều Việt Nam - Italy trong thời gian tới.
Cụ thể, FTA dự kiến sẽ giúp xuất khẩu từ Việt Nam sang các quốc gia EU tăng từ 30-40% và xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng từ 20-25%. Đây sẽ là cơ hội lớn để tăng kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Italy./.